Ngay lập tức, phòng nghỉ của Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức và Thượng úy QNCN, y sĩ Nguyễn Đức Toàn, cán bộ quân y Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh đã sáng ánh đèn.

Biết rõ người gọi mình từ bên ngoài, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức mở cửa căn phòng nói vọng ra: "Bố chờ một lát! Con mặc bộ quần áo rồi theo bố xuống bản luôn".

Chỉ vài phút sau, khi Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức bước ra khỏi cửa căn phòng, Thượng úy QNCN, y sĩ Nguyễn Đức Toàn đã chuẩn bị dụng cụ, thuốc men cần thiết cho vào túi quân y để đồng đội khẩn trương cơ động khám bệnh cho dân. Trưởng bản Thoọng Pẹ sử dụng xe máy chở cán bộ quân y biên phòng Hà Tĩnh đội mưa gió, xuyên màn đêm hướng về khu dân cư đang có người bệnh.

Điều khiển xe chạy hết đường lớn, rẽ vào đường đất nhỏ hẹp, rồi dừng hẳn ở một cụm dân cư, ông U Đáy quay sang nói với bác sĩ Đức: "Nghe người nhà bảo Xồng Vừ My ốm hai ngày nay rồi, giữa đêm sốt cao quá mới gọi điện nhờ bố gọi các con đến giúp. Nhà nó trên đỉnh đồi kia, chúng ta phải đi bộ lên thôi". Ông U Đáy đi trước soi đèn pin, bác sĩ Đức đi sát phía sau, men theo con đường mòn ngược lên đỉnh đồi.

Thượng úy QNCN, y sĩ Nguyễn Đức Toàn kiểm tra thân nhiệt cho người dân đến khám, chữa bệnh.  

Lên đến nhà bệnh nhân, áo của trưởng bản Thoọng Pẹ và cán bộ quân y biên phòng ướt đẫm mồ hôi lẫn nước mưa. Sau khi thăm khám, trao đổi với Xồng Vừ My bằng tiếng bản địa, quân y biên phòng lấy thuốc hướng dẫn cô cách sử dụng. Khi công việc đã xong, bác sĩ Đức nhẹ nhàng nói với ông U Đáy: "Chị My bị viêm phế quản thôi, con cho thuốc rồi, dùng vài ngày sẽ đỡ. Bố yên tâm nhé". Rời nhà Xồng Vừ My về đơn vị thì cũng là lúc những bệnh nhân điều trị nội trú, người nhà bệnh nhân thức giấc, đang nổi lửa chuẩn bị bữa sáng. "Ở đây, cứ dân gọi là chúng tôi đi khám bệnh không kể ngày hay đêm, trong trường hợp cấp bách, bữa cơm cũng phải bỏ dở", bác sĩ Đức nói với chúng tôi như vậy.   

Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ có 10 giường bệnh, gần như quanh năm đều có bệnh nhân đến điều trị nội trú. Bởi cùng với người dân Thoọng Pẹ, bà con các dân tộc Lào ở những bản lân cận như Na Pê, Na Hạt, Na Hương, Noọng Ó... nghe tiếng lành về quân y biên phòng Việt Nam cũng tìm đến để được thăm khám, chữa bệnh. Trong trường hợp phải điều trị lâu dài, họ mang gạo, thực phẩm thiết yếu từ nhà đến góp cùng bộ đội, hằng ngày chuẩn bị những bữa ăn chung.

Có những người dân nghèo khó đến chữa bệnh được bộ đội nuôi ăn trong những ngày nằm ở bệnh xá. Sau bữa sáng, bác sĩ Đức đến từng phòng thăm khám, y sĩ Toàn phát thuốc, tiêm cho bệnh nhân điều trị nội trú. Qua câu chuyện được biết, bác sĩ Nguyễn Việt Đức nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ đã gần 10 năm, y sĩ Nguyễn Đức Toàn cũng đã có gần 5 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đây.

Những năm trước, cứ 3-4 tháng, các anh lại báo cáo cấp trên được luân phiên về nước, thăm gia đình. Nhưng hơn một năm nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở cả Việt Nam và Lào, họ chưa được ăn một bữa cơm cùng gia đình, người thân nơi quê nhà.

"Trong những thời điểm dịch Covid-19 phức tạp ở quê nhà, hai anh em đều rất lo lắng, nhưng cũng chỉ biết gọi điện động viên người thân giữ gìn sức khỏe. Còn ở đây, chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với ban quản lý bản, chính quyền sở tại tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch", y sĩ Nguyễn Đức Toàn chia sẻ.

Để tuyên truyền cho nhân dân Lào phòng, chống dịch Covid-19, hai cán bộ quân y BĐBP Hà Tĩnh đã biên soạn bản tin tham mưu cho Ban quản lý bản Thoọng Pẹ cũng như các địa phương lân cận phát qua hệ thống loa truyền thanh. Những lần xuống bản khám bệnh, họ cũng mang theo tờ rơi soạn bằng tiếng Lào tranh thủ tuyên truyền trực tiếp cho các hộ dân.

Bản Thoọng Pẹ cách xa trung tâm hành chính của huyện Khamkeuth, nhưng lại gần với biên giới Việt Nam, có diện tích tự nhiên rộng, với hơn 450 hộ dân/2.980 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe.

Trong điều kiện cách xa cơ sở y tế, nhận thức còn hạn chế, nhiều người vẫn tìm đến thầy cúng để nhờ "bắt ma" khi ốm đau, bệnh tật. Quyết tâm giúp nhân dân Thoọng Pẹ từng bước vượt qua khó khăn, trên cơ sở thống nhất cao của chính quyền địa phương hai nước Việt Nam-Lào, năm 2007, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng, đưa vào vận hành Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân 9 bản của huyện Khamkeuth. Trạm xá có các phòng khám, siêu âm, điều trị, cùng nhiều trang thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn của cơ sở y tế.

Từ đó đến nay, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đầu tư trang thiết bị, lựa chọn những cán bộ quân y có trình độ cao về chuyên môn, sáng về y đức cử sang Thoọng Pẹ thực hiện nhiệm vụ. Cùng với công tác khám, chữa bệnh, cán bộ quân y công tác tại Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ sẽ phối hợp chặt chẽ với ban quản lý bản, chính quyền địa phương vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, những ngày đầu, khi trạm xá mới đi vào hoạt động, cán bộ quân y thực hiện nhiệm vụ gặp phải không ít khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, ân cần của Bộ đội Cụ Hồ, những cán bộ quân y ở Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ ngày càng được bà con dân bản tin tưởng, mến yêu. Ngay cả thầy mo Chơ Li có tiếng cả vùng cũng tin dùng thuốc của trạm xá mỗi khi ốm đau.

Chuyện bắt đầu vào năm 2014, Chơ Li bị viêm phế quản nặng, rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh” và quân y BĐBP đã đến cấp cứu kịp thời, giữ được mạng sống cho ông. Sau ngày đó, Chơ Li trở thành cầu nối giữa dân bản với quân y biên phòng ở Thoọng Pẹ, ông thường khuyên mọi người có bệnh phải đến trạm xá để được khám, cấp thuốc.

Sau nhiều năm gắn bó với vùng đất, nhân dân nơi biên giới nước bạn Lào, nhờ tự học, bác sĩ Đức, y sĩ Toàn đều có thể nói, viết thành thạo ngôn ngữ Lào, phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân địa phương. “Quân y BĐBP Việt Nam chẳng quản ngại khó khăn, gian khổ, quanh năm suốt tháng chăm lo sức khỏe cho nhân dân sinh sống trong vùng.

Cán bộ biên phòng cũng hiểu tiếng nói, phong tục, tập quán, vận động bà con xây dựng nếp sống mới. Giờ đây, bản làng có nhiều đổi thay, tiến bộ, ai cũng yêu quý quân y BĐBP Việt Nam như con em mình", ông U Đáy, Trưởng bản Thoọng Pẹ khẳng định. 

Bài và ảnh: VIẾT LAM - MINH TOÀN