Trong quá trình đó, với dã tâm thâm độc, các thế lực thù địch hướng sự chống phá vào triệt tiêu, phủ nhận thành quả và ý nghĩa của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) mà Đảng ta lãnh đạo. Thế nhưng, chính thành quả PCTNTC ở Việt Nam sẽ tự thân phát sáng, xua tan bóng tối bịa đặt do những kẻ phản động, chống phá cố tình bôi đen, vấy bẩn.

Những chiêu trò nham hiểm, lố bịch

Mới đây, RFA đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: Thay đổi thể chế”. Bài viết có nhiều nội dung lật lọng, đả kích, cho rằng: Việt Nam từ nhiều năm qua đề ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật do rơi vào tham nhũng, tiêu cực. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không? Rồi tác giả bài viết “hiến kế”, ở Việt Nam muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi hoàn toàn cơ chế hiện tại; mà trực tiếp là phải thực hiện đa đảng lãnh đạo.

Với ý đồ tương tự, nhiều bài viết đăng trên báo mạng nước ngoài đặt điều, ở Việt Nam nên có sự cạnh tranh lãnh đạo giữa các đảng phái mới có thể phát hiện được “ung nhọt” của nhau; giúp công tác PCTNTC chuyển biến thực chất. Cùng với đó, chúng còn vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam đang ở thế “lưỡng nan đối nghịch” với hàm ý chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị,...

Đặc biệt, khi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng vừa được ban hành, các thế lực thù địch hướng sự chống phá vào hạn chế tính khả thi và hoài nghi về hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết quan trọng này. Chúng “xới” trên không gian mạng những câu hỏi đại ý, như: “Một bộ phận cán bộ bị tha hóa biến chất đang ở đâu, gồm những ai? Một bộ phận là bao nhiêu? Một bộ phận hay những người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam?... Bám víu vào những cái cớ tự quy chụp, thế lực thù địch cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đang đấu tranh nửa vời, đưa ra nhận định "phương phưởng" và thể hiện quyết tâm chính trị giả tạo, hòng mị dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn 

Trong khoảng 5.000 ngày qua, nghĩa là sau khi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng được ban hành, triển khai thực hiện, gần như chưa một ngày nào, các thế lực thù địch và những kẻ hiềm khích, bất mãn không tung lên mạng xã hội nhiều bài viết, clip có nội dung bôi nhọ, phủ nhận nỗ lực và kết quả đấu tranh PCTNTC ở Việt Nam. Chúng rêu rao: Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang ra sức phát động PCTNTC nhưng hoàn toàn không thành công; thậm chí, vấn nạn này ngày càng gia tăng rộng khắp. Bởi “bới” chỗ nào cũng ra tham nhũng, sờ đến đâu thì phát hiện sai phạm, buộc phải kỷ luật cán bộ đến đấy; rồi quy chụp hiện tượng thành bản chất, cho rằng chính chế độ một Đảng lãnh đạo – chế độ XHCN là cha đẻ của tham nhũng.

Mặc khác, chúng lớn tiếng cho rằng, Đảng Cộng sản đang khai khống về kết quả PCTNTC, hòng cầu mong quần chúng tin vào sự trong sạch vững mạnh của Đảng cầm quyết và tự phong danh xưng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Chúng còn cố tình ngụy biện rằng đấu tranh PCTNTC thực chất là những cuộc thanh trừng nội bộ, nhằm tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực chất, đây là những chiêu trò tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, nhằm tô vẽ lên bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở; làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, tạo “hoài nghi” về tính đúng đắn của chủ trương, chính sách lãnh đạo và phủ nhận quyết tâm, cũng như kết quả PCTNTC của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Khái quát như vậy để thấy, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề tham nhũng và đấu tranh PCTNTC ở Việt Nam làm “công cụ”, “ngọn cờ tiên phong” thực hiện ý đồ xấu, chống phá cách mạng Việt Nam. Những chiêu trò, thủ đoạn này nếu không sớm nhận diện, quyết liệt bóc trần, bóc gỡ, đấu tranh hiệu quả thì hệ quả, hệ lụy sẽ thật khó lường.

Ví như, vào những năm 80 và 90 của thế kỷ 20, trên địa bàn Tây Nguyên, các thế lực phản động ở nước ngoài, cấu kết với Fulro tiến hành lôi kéo, kích động quần chúng, thổi phồng tình trạng “cán bộ người Kinh” xa dân, ở trên dân, cướp đất của đồng bào Tây Nguyên... Và sự bịa đặt trắng trợn ấy đã khiến một bộ phận quần chúng nghe theo mù quáng, dần mất niềm tin vào cán bộ cơ sở; dẫn đến việc tụ tập thành đám đông biểu tình, gây rối chính trị ở nhiều địa bàn Tây Nguyên vào các năm 2001 và 2004.

Tương tự, các sự vụ, sự việc diễn ra ở Thái Bình (năm 1997), Mường Nhé, Điện Biên (năm 2011) và các điểm nóng ở Tây Bắc, Tây Nghệ An, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ,… đều chứa đựng ít nhiều phần nguyên nhân do cán bộ địa phương có sai phạm, hư hỏng và thực tế đó đã bị những kẻ chống phá kích động, dắt mũi dư luận… Đặc biệt, sự kiện diễn ra ở Bình Thuận và hàng chục địa phương trong cả nước năm 2018 là bài học đau lòng, khi kẻ thù lợi dụng kích động và “xới lên” sự quan tâm của dư luận về việc nên hay không nên cho thuê đất đặc khu trong 99 năm; xem đó là một cách quan chức Việt Nam hiện thực lợi ích nhóm và ngồi trên mồ hôi, nước mắt của quần chúng... Điều đó thổi bùng ngọn lửa bức xúc trong cộng đồng và trên không gian mạng, rồi “lan ra” đời sống hiện thực, gây nhiều tổn thất nặng nề cả về vật chất, lẫn tinh thần xã hội.

Thành quả có dấu ấn lịch sử

Nhìn lại dòng chảy lịch sử của dân tộc thấy rằng, công cuộc PCTNTC của Đảng ta luôn được đặc biệt chăm lo, nhưng ở một số thời điểm trước đây thì hiệu quả chưa thật toàn diện, vững chắc. Trước năm 2011, tham nhũng vẫn là thách thức lớn trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và xã hội. Lúc bấy giờ, mặc dù Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12... nhưng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực, gây bức xúc xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Trước thực tế đó, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI được Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị, ban hành. Thế nhưng, quá trình triển khai ở giai đoạn đầu, dù các cấp đã nỗ lực, quyết liệt vào cuộc, nhưng xem ra kết quả đạt được chưa thể như mong muốn, khiến một số người hoài nghi; là cái cớ để lực lượng thù địch lợi dụng, đục khoét, chống phá... Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, vào tháng 10-2012, khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về “một số khuyết điểm lớn” cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước. Bấy giờ, giọng của Tổng Bí thư trở nên nghẹn ngào và giọt nước mắt của vị lãnh đạo bỗng trào ra chua xót!

Sau này, khi kết quả PCTNTC có nhiều chuyển biến rõ nét, thực chất, nhiều chính trị gia, các nhà quan sát, bình luận chính trị đã thừa nhận và so ví hình ảnh ấy là “giọt nước mắt rơi vào lịch sử”. Đồng thời thừa nhận, nỗi đau ấy của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đã chạm đến lương tri, trách nhiệm của phần đa cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng; giúp khởi tạo và lan tỏa sâu rộng một cao trào đánh “giặc nội xâm” ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Đặc biệt, kể từ sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 1-2-2013), công tác phòng, chống tham nhũng thực sự có những bước chuyển rõ nét về chất. Từ đó cho đến nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau này là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC) đã theo dõi, chỉ đạo hàng trăm vụ án, hàng nghìn vụ việc tham nhũng, kinh tế trọng điểm, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã đưa ra xét xử sơ thẩm hàng trăm vụ án/ hàng nghìn bị cáo; trong đó có không ít đối tượng là cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.

Nếu như nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền chỉ xử lý 11 trường hợp cán bộ diện Trung ương quản lý, không có trường hợp nào là Ủy viên Trung ương Đảng; thì trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; đến nhiệm kỳ Đại hội XIII thì kết quả này không chỉ thể hiện về mặt số lượng, mà còn “điểm mặt, ghi tên” cả những cán bộ bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trương ương Đảng, tướng lĩnh cao cấp trong lực lượng vũ trang… Đây là sự minh chứng thuyết phục cho quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

Nếu trước đây, tham nhũng thường được hiểu là những hành vi tư lợi bất chính về kinh tế, thì hiện nay, với sự hoàn thiện ngày càng đầy đủ và đồng bộ về thể chế phòng, chống tham nhũng, các hành vi tham nhũng được mở rộng ra, đào sâu hơn; bao gồm tham nhũng về quyền lực, về cơ chế, chính sách, quan hệ, các lĩnh vực có thể sinh ra lợi ích nhóm cũng như những mầm mống nảy sinh tham nhũng. Từ chống tham nhũng các trong lĩnh vực hành chính công vụ tới bóc gỡ các vụ đại án tham nhũng về kinh tế, chức vụ; từ chống tham nhũng lớn, lan ra chống tham nhũng vặt; từ chống tham nhũng ở khu vực công lan sang chống tham nhũng ở khu vực tư và quyết liệt chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Quyết tâm chống “giặc nội xâm” của Đảng thể hiện rất rõ ở chỗ: Dù đã có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng chỉ sau đó 5 năm, 100% Ủy viên Trung ương Đảng dự Hội nghị Trung ương đã đồng loạt đưa tay biểu quyết thông qua Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết này điểm mặt, chỉ tên trực tiếp 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khởi phát cho cao trào chống “giặc nội xâm” với quyết tâm chính trị cao hơn, nội dung và phạm vi toàn diện, đầy đủ và rộng lớn hơn.

Không dừng lại ở đó, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Kết luận 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”; với tinh thần đặt ra là: Đã kiên quyết rồi, phải kiên quyết hơn nữa, quyết liệt rồi quyết liệt hơn nữa, làm kiên trì, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Điều đó cho thấy, quyết tâm chính trị của Đảng ta trong 5.000 ngày qua là xuyên suốt, đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn về tính chất, mức độ và mục đích cần đạt được; đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực bằng tinh thần “một mất-một còn” để bảo vệ Đảng, hệ thống chính trị và sự tồn vong của chế độ.

Bước chuyển biến rõ nét trong công tác PCTNTC còn được thể hiện qua hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra, kiểm toán khi có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính đạt nhiều chuyển biến rõ rệt. Nếu như từ năm 2013 trở về trước, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013-2020, đạt 32,04%. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Nhìn lại diễn tiến 5.000 ngày qua, cho thấy, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Đảng ta đạt được những bước tiến dài vững chắc, được quốc tế đánh giá cao. Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020, tăng nhiều so với những năm trước đó). Cũng bởi vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lạc quan khẳng định: “Công tác PCTNTC đã trở thành xu thế không thể đảo ngược và có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội”.

Cuộc chiến cho tương lai

Khẳng định nêu trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn có cơ sở vững chắc. Bởi lẽ, trong khoảng 5.000 ngày qua, trước tác động tiêu cực của nhiều vấn đề có tính chất thời đại và nhân loại, Việt Nam luôn vững vàng và “gặt hái” nhiều kết quả toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội. Kết quả đó có được là bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta luôn “trong ấm, ngoài êm” và xây dựng được một bộ máy chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nhất quán tinh thần: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”,“Trên dưới đồng lòng”,“Dọc ngang thông suốt” trong hiện thực các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, nhất là trong vận hành cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Trong khó khăn chung của các nền kinh tế thế giới, Việt Nam không những đứng vững mà còn phát triển nhanh, bền vững, tiềm lực kinh tế, sức mạnh tổng hợp được tăng cường; uy tín, vị thế quốc tế của đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam được nâng lên rõ rệt. Uy tín và vị thế ở đây thể hiện rõ ở sự ghi nhận, tôn trọng của các quốc gia, các chính đảng và bạn bè thế giới khi đánh giá cao Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất có vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và toàn xã hội.

Nhờ có bộ máy lãnh đạo ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Việt Nam đã tích lũy được khối lượng cơ sở vật chất và đầu tư nguồn lực rất lớn cho xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, kiến trúc thượng tầng của chủ nghĩa xã hội, tạo nền tảng vững chắc để cả nước vững bước, vững tin, phấn đấu thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Cùng với đó, nước nhà luôn đảm bảo ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, quan hệ đối ngoại tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng mở rộng; giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam trở thành điểm hẹn của hòa bình, là đất nước có vị thế để sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước. Việt Nam có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia, có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới... Đó là cứ liệu vững chắc để trong nhiều Hội nghị Trung ương gần đây, tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tự tin khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.

Như vậy, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có quyền khẳng định rằng: Kết quả PCTNTC đã tự thân khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, đường lối lãnh đạo mà Đảng ta đề ra; khẳng định ý nghĩa và thành quả đạt được mà Đảng ta soi đường, chỉ lối. Hơn thế, chất liệu thực tiễn tự nó có khả năng phủ nhận, phủ định hoàn toàn những luận điệu mà những kẻ phản động, chống phá cố tình bịa đặt một cách trắng trợn!

Gần đây, có ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm "chậm" sự phát triển đất nước. Đây là cách nghĩ sai lệch, bảo thủ, cực đoan. Bởi lẽ, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đẩy mạnh PCTNTC và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã chót "nhúng chàm".

Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trong những năm qua, nhất là từ khi Nghị quyết Trương ương 4, khóa XI được ban hành, cho thấy: Hiệu ứng tích cực, hiệu quả mang lại từ công tác PCTNTC đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội là rất rõ nét. Mỗi tổ chức không ngừng mạnh lên nhờ được củng cố, được mài sáng, luyện trong đội ngũ. Những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trước đây từng là điểm nóng về tham nhũng, quan liêu, tiêu cực sau khi bị phát hiện, xử lý nghiêm minh đã thanh lọc, đào thải những con sâu mọt đục khoét và từng bước xốc lại đội hình. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ Trung ương về cơ sở thực hành nghiêm túc tinh thần hành động, liêm chính, kiến tạo, phục vụ vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Ngay trong chính nội bộ mỗi tổ chức đảng đã thực hành nghiêm túc tự phê bình và phê bình, đấu tranh rất quyết liệt, mạnh mẽ với tham nhũng và lợi ích nhóm.

Cùng với đó, chính từ việc làm tốt công tác đấu tranh PCTNTC đã góp phần rất quan trọng giúp chúng ta cải cách hành chính hiệu quả, thực chất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (chỉ số APCI 2020), chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng từ thứ hạng 90/100 lên 70/100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 của Việt Nam cũng tăng 10 bậc ở 77/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những chỉ dấu tích cực phản ánh kết quả của Chính phủ liêm chính, kiến tạo thông qua thể chế, chính sách tốt để nuôi dưỡng, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Trong khoảng 5.000 ngày qua, đấu tranh PCTNTC đã trở thành cao trào cách mạng với những bước tiến dài vững chắc, tạo nền tảng cho toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn dân tiến lên từng bước quét sạch “giặc nội xâm”. Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ là một “cao trào”, càng không thể “chững lại”. Bởi đấu tranh PCTNTC là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt, cắt bỏ những “ung nhọt” trong nội bộ mình, rất đau xót nhưng vẫn phải tiếp tục làm, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ và phải làm rất bài bản, chắc chắn, vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì ý nguyện và hạnh phúc của nhân dân”.

NGUYỄN TẤN TUÂN