Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:
Dựa vào dân để chống tham nhũng
Việc tham nhũng, tiêu cực của cán bộ các cấp hiện nay gây bức xúc tới mọi người dân, nên nếu chúng ta không làm sẽ là nguy cơ để kẻ xấu lợi dụng, kích động, tạo ra những việc không tốt cho đất nước; còn nếu làm tốt, người dân sẽ yên tâm, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó niềm tin của nhân dân với đất nước, với Đảng sẽ tốt lên, không còn cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, kích động.
Theo tôi, bên cạnh cơ chế chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước, cùng với việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định pháp luật thì phải làm sao phát động được nhân dân tham gia, đóng góp vào để tố cáo những người tham nhũng, tiêu cực (tất nhiên tiếp thu có chọn lọc) thì mới chống được tham nhũng, còn nếu chỉ mình Đảng ta chống tham nhũng thì vẫn khó khăn. Hiện nay, không chỉ ở Trung ương mà ở cơ sở cũng tham nhũng, đặc biệt tham nhũng vặt, nhũng nhiễu dân, làm mất lòng dân rất nhiều. Thực tế, ai thế nào dân họ biết hết và nhiều người dân biết nhưng ngại tham gia tố cáo vì sợ các thế lực đe dọa, gây khó khăn trong cuộc sống.
Chống tham nhũng là việc phải làm quyết liệt, đến nơi đến chốn, không bỏ lửng thì dân mới tin. Người dân có nhiều niềm tin vào Đảng, chế độ và chống được tham nhũng cũng là cách lấy được niềm tin trong dân, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta. Nếu không chống được tham nhũng, tiêu cực, niềm tin trong dân sẽ xói mòn. Nếu dân không tin thì rất nguy hiểm, khi bị kẻ xấu kích động là nghe theo, dẫn đến nguy cơ cho đất nước, nguy cơ cho chế độ, khiến đất nước ngày một suy yếu. Vì vậy, vấn đề là làm sao có được niềm tin của dân và khuyến khích đến mọi người dân để ai cũng hiểu được vai trò của mình trong PCTN, tiêu cực là rất cần thiết cho đất nước, cho Tổ quốc.
Tôi tin rằng, cùng quyết tâm chính trị của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN ngày càng hoàn thiện, không còn kẽ hở, tình trạng tham nhũng sẽ ngày càng được đẩy lùi. Tôi rất ủng hộ về quy định kê khai tài sản; quy định về bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương; phải giám sát chặt chẽ thu nhập; điều chỉnh lương phù hợp để bảo đảm cuộc sống… như các biện pháp ràng buộc, chống tham nhũng.
KIM DUNG (ghi)
Bà HUỲNH THỊ SÔ MA LY, Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc:
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chính là xây dựng đất nước
Trong những năm qua, kể từ khi Luật PCTN năm 2005 có hiệu lực và các văn bản dưới luật được ban hành, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác PCTN đạt được những kết quả cụ thể và thiết thực.
Đúng như Báo Quân đội nhân dân đề cập trong loạt bài viết “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực-Ý chí, cách làm và hiệu quả”, vấn đề PCTN, tiêu cực có hiệu quả hay không có liên quan tới vận mệnh của quốc gia. Thành quả đạt được của công tác PCTN, tiêu cực đạt được thời gian qua chính là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Nhiều đại án tham nhũng lớn đã bị phát hiện. Nhiều đảng viên tha hóa, biến chất, quan tham đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Về dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, tôi mong rằng sẽ có quy định cụ thể hơn nữa để công tác này tiếp tục đi vào chiều sâu, tránh lọt người, lọt tội và mang lại niềm tin tới mọi tầng lớp nhân dân.
Với tôi, hiệu quả của công tác PCTN, tiêu cực đạt được thời gian qua là sự khích lệ lớn đối với nhân dân; củng cố niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Tôi rất mong trong thời gian tới, công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh và duy trì để tạo thành phong trào rộng khắp. Đây là cuộc chiến nhận được sự đồng thuận của cả xã hội và nếu thực hiện hiệu quả sẽ tạo động lực để xây dựng và phát triển đất nước.
TUẤN SƠN (ghi)
Bà TRẦN THỊ UYÊN, nguyên Chánh thanh tra TP Hải Phòng:
Đẩy mạnh công tác thanh tra trong phòng, chống tham nhũng
Tôi rất tâm đắc khi đọc loạt bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân vừa qua. Ở nước ta, tham nhũng gây ra những hậu quả vô cùng lớn cho xã hội, nó không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có những phương hướng, giải pháp ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng nhằm bảo đảm vững chắc cho quá trình thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong công cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, thanh tra đóng vai trò rất quan trọng. Pháp luật trao cho thanh tra nhiệm vụ tiến hành các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Thanh tra cũng là công cụ hữu hiệu để đưa các hành vi tham nhũng ra ánh sáng. Mỗi năm, ngành thanh tra tiến hành hàng chục nghìn cuộc thanh tra với quy mô khác nhau trên các lĩnh vực, tiếp nhận và xử lý hàng vạn đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có không ít đơn thư chứa đựng các thông tin về hành vi tham nhũng của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các hoạt động khác, ngành thanh tra còn phát hiện những sơ hở trong chính sách, pháp luật về tham nhũng, từ đó có những biện pháp hoàn thiện hoặc tham mưu, kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, có những cách làm hay, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, hiệu quả công tác này cũng còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đặc biệt là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong triển khai xử lý các kết luận thanh tra.
ĐỨC THỊNH (ghi)
Ông LÊ MINH NGHIÊM, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Lâm Quang Vinh (TP Hồ Chí Minh):
Không để kéo dài tình trạng "trên nóng dưới lạnh"
Đọc loạt bài “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực-Ý chí, cách làm và hiệu quả” trên Báo Quân đội nhân dân, tôi cảm thấy rất tâm đắc, nói trúng vấn đề và những nỗ lực của Đảng trong PCTN, đã tạo sự lan tỏa, được nhân dân hưởng ứng, đồng thuận và tin tưởng trong thời gian tới, công tác này sẽ chuyển biến mạnh hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực là thứ được ví như "giặc nội xâm" ở bất cứ quốc gia nào, nó đe dọa sự tồn vong của chế độ, làm mất vai trò của Đảng và Nhà nước trong lãnh đạo, điều hành đất nước và mất niềm tin của nhân dân. Đã là giặc thì công tác phòng, chống luôn gặp vô vàn khó khăn. Nó khó định hình, định dạng, khó lật tẩy, nêu ra và nó có thể diễn ra ở bất cứ cấp nào, địa phương, tổ chức nào. Tôi tham gia làm kinh tế nhưng không vì thế mà không quan tâm đến tham nhũng, tiêu cực. Vì thực tế, tôi có rất nhiều liên hệ, nhiều sự phối hợp với các cấp chính quyền trong những vấn đề kinh doanh, thủ tục…
Tôi thấy rằng, công tác chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước đang đi đúng hướng và có hiệu quả rất tốt. Nhiều cán bộ đã bị bắt, đưa ra xét xử và bị phạt tù theo quy định của pháp luật vì có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nhưng thực tế vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc và quyết liệt. Đặc biệt, hiện tượng tham nhũng vặt vẫn còn ở không ít cơ sở. Khi người dân hay doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, xin giấy phép, giấy chứng nhận, cấp phép… đều phải có những chi phí “mềm” mới được thông qua, được rút ngắn thời gian… Tham nhũng vặt khiến cán bộ, công chức khi đã nhúng vào lại xem đó là điều bình thường, buộc phải có thì sẽ là cơ hội cho những cú bắt tay tham nhũng với giá trị lớn hơn. Chính vì thế, tôi bày tỏ mong muốn thời gian tới, công tác chống tham nhũng, tiêu cực ở các cấp cơ sở cần được đẩy mạnh thành một quyết tâm, hành động lan tỏa, thực sự tuyên chiến để ngăn chặn. Để làm được điều đó, cần giao trách nhiệm rõ cho cấp ủy, người đứng đầu cơ quan ở cơ sở phải chịu trách nhiệm cụ thể, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bỏ giấy phép "con", bỏ các bước không cần thiết dẫn tới kẽ hở để cán bộ ở cơ sở có cơ hội tham nhũng. Đặc biệt, đối với tham nhũng vặt phải được loại trừ bằng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe ý kiến, tố cáo của công dân, doanh nghiệp để kịp thời xử lý. Thực hiện tốt nghị quyết của Trung ương về cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức để họ có điều kiện đủ sống bằng lương, không bị chi phối bởi những khoản thu nhập ngoài lương do tham nhũng vặt…
TRUNG KIÊN (ghi)
Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ, Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực Nhà nước
Tôi rất hoan nghênh loạt bài về PCTN đăng trên Báo Quân đội nhân dân vừa qua. Đây là vấn đề chính trị-xã hội "nóng", nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội. Tôi cho rằng, một nhiệm vụ quan trọng giúp cuộc đấu tranh PCTN đạt hiệu quả là cần đổi mới, nâng cao vai trò của hệ thống pháp luật về PCTN.
Có thể thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN của nước ta cơ bản đã khá đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác PCTN trên cả nước và trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Còn số ít quy định của pháp luật về PCTN thiếu tính khả thi, chưa được hướng dẫn cụ thể, thiếu những giải pháp triển khai thực hiện quyết liệt, có tính đột phá nên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Để tiếp tục đấu tranh PCTN hiệu quả hơn, đáp ứng sự mong mỏi của dư luận xã hội, thời gian tới cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực Nhà nước để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
DƯƠNG SAO (ghi)