Thủ đoạn tinh vi

Từ đầu tháng 7-2023 đến nay, tại Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu... xảy ra hơn 20 vụ mạo danh quân nhân, đơn vị Quân đội để lừa đảo. Điển hình như: Ngày 21-8-2023, đối tượng giả danh Phạm Quốc Khải, công tác tại Ban CHQS huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), sử dụng số điện thoại 0868843342, gọi đến dịch vụ nấu ăn Phương Hà đặt 6 bàn tiệc, trị giá 15 triệu đồng và đặt thêm 6 chai rượu ngoại, rồi nhờ dịch vụ nấu ăn ứng trước số tiền rượu hơn 18 triệu đồng vào số tài khoản của Nông Thị Ngọc Huyền.

Tuy nhiên, chủ cơ sở nấu ăn Phương Hà không đồng ý ứng tiền rượu. Lúc 14 giờ 50 phút cùng ngày, cơ sở nấu ăn chở 6 bàn tiệc đến cổng Ban CHQS huyện Xuân Lộc để giao thì phát hiện bị lừa đảo, đơn vị không đặt tiệc và cũng không có ai tên là Phạm Quốc Khải.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh Zalo và tin nhắn của một đối tượng mạo danh cán bộ Quân đội để thực hiện hành vi lừa đảo.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, đầu tháng 9 vừa qua, ông N.V.L, chủ doanh nghiệp kinh doanh gas ở phường Phước Trung, TP Bà Rịa nhận được điện thoại đặt hàng. Người này tự giới thiệu là Hà Đức Toàn, công tác tại Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, muốn đặt 5 bếp gas và đổi 12 bình gas loại 12kg. Đối tượng nhắn tin qua Zalo đề nghị giao hàng đến Bộ CHQS tỉnh vào lúc 15 giờ ngày 10-9 kèm hóa đơn để thanh toán.

Tiếp đó, đối tượng đề nghị ông L cung cấp thêm 5 bếp khè công nghiệp, 2 bếp khè hâm. Khi ông L trả lời không có loại bếp khè công nghiệp và bếp khè hâm, đối tượng liền giới thiệu cơ sở cung cấp khác, nhờ ông L mua giúp và tính tiền chung vào hóa đơn khi giao hàng.

Ông L kể: “Tôi gọi đến số điện thoại mà Hà Đức Toàn cung cấp để đặt bếp khè công nghiệp thì họ yêu cầu phải chuyển tiền đặt cọc 50% giá trị hàng hóa. Nghi bị lừa, tôi gọi điện thoại đến Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để xác minh thì đơn vị trả lời không có cán bộ nào tên là Hà Đức Toàn và cũng không có nhu cầu mua bếp gas, bình gas”...

Nhận định về thủ đoạn mà các đối tượng mạo danh sử dụng để lừa đảo, Đại tá Bùi Đăng Ninh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai cho biết: Các đối tượng thường dùng số điện thoại, Zalo có đăng hình ảnh quân nhân mặc quân phục để tạo niềm tin, gọi điện, nhắn tin đến các nhà hàng, dịch vụ nấu ăn, cơ sở buôn bán...; đồng thời gửi địa chỉ của các ban CHQS huyện, thành phố thông qua ứng dụng định vị trên điện thoại.

Tiếp đó, các đối tượng đặt mua thêm quà tặng, hàng hóa có giá trị cao mà những mặt hàng này không phổ biến. Khi nhà hàng, cơ sở kinh doanh không tìm được nguồn hàng theo yêu cầu, đối tượng sẽ hướng dẫn liên hệ với người cung cấp nguồn hàng. Thực chất, đây cũng là đồng bọn trong nhóm lừa đảo của chúng. Sau khi nhận tiền qua tài khoản thì chúng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền.

Theo Đại tá Nguyễn Thành Trung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài thủ đoạn trên, các đối tượng còn sử dụng điện thoại di động hoặc tài khoản mạng xã hội tự giới thiệu là cán bộ Quân đội đang chỉ huy đơn vị, liên hệ với gia đình của quân nhân cung cấp thông tin không đúng sự thật, hù dọa, như: Chiến sĩ là con em của gia đình vừa gây thiệt hại tài sản của đơn vị, đang trong quá trình xét kỷ luật; nếu gia đình chuyển tiền vào số tài khoản của đơn vị để đền bù thì sẽ bỏ qua lỗi phạm, nếu không thì sẽ bị khởi tố, xử lý theo quy định của pháp luật... 

Đề cao cảnh giác, xử lý nghiêm minh

Đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Đồng Nai) cho biết, gần đây, các loại tội phạm sử dụng mạng xã hội, công nghệ thông tin để lừa đảo ngày càng gia tăng. Chúng lợi dụng uy tín của Quân đội, Công an để mạo danh lừa đảo nên các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp điều tra, xác minh nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo Đại tá Vũ Văn Điền, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, nếu không sớm ngăn chặn, xử lý triệt để hành vi mạo danh cá nhân, tổ chức Quân đội để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, tạo cơ hội cho thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ và gây chia rẽ mối quan hệ đoàn kết quân dân.

Việc cần thực hiện ngay là các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò của mọi cá nhân, tổ chức chung tay đấu tranh, ngăn chặn những hành vi mạo danh quân nhân, đơn vị quân đội để lừa đảo. Công tác tuyên truyền cần triển khai đồng bộ, sâu rộng, nhấn mạnh những dấu hiệu phạm tội, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng; đồng thời tổ chức điều tra, truy vết, xử lý dứt điểm, nghiêm minh trước pháp luật.

Tại hội nghị cung cấp thông tin về tình trạng mạo danh quân nhân, tổ chức Quân đội để lừa đảo do Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức, đại diện các đơn vị Quân đội ở phía Nam khuyến cáo: Người dân, doanh nghiệp khi nhận được cuộc gọi của người lạ tự xưng là quân nhân tại các cơ quan, đơn vị Quân đội để trao đổi thông tin, đặt tiệc, mua hàng hóa... cần tìm hiểu và xác minh thông tin trước khi giao dịch.

Đối với các cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là chỉ huy, quản lý của con em mình đang công tác trong Quân đội để thông báo tình hình “có liên quan đến vi phạm pháp luật, kỷ luật, rồi đề nghị chuyển tiền đền bù thiệt hại...” cần bình tĩnh, thận trọng tìm hiểu thông tin; không làm theo yêu cầu của các đối tượng đưa ra; gọi điện thoại trao đổi với chỉ huy đơn vị nơi con em mình đang công tác, hoặc liên hệ với ban CHQS các cấp để được hỗ trợ xác minh thông tin, tránh bị kẻ xấu lừa đảo...

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - GIA TÚ

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.