Ngay khi bước vào kỳ nghỉ hè, chị Nguyễn Ngọc Hân ngụ tại phường Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu "săn" những tour du lịch giá rẻ cho cả gia đình trên mạng và rồi bị cuốn hút bởi những lời quảng cáo gây “sốc”, ví dụ như combo nghỉ dưỡng Vinpearl Hội An chỉ 900.000 đồng/người. Mức giá hấp dẫn khiến chị Hân không ngần ngại liên hệ với fanpage và đặt cọc. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị Hân nhanh chóng nhận ra mình đã mắc bẫy của một fanpage giả mạo. “Họ liên tục giục tôi đặt cọc vì ưu đãi sắp hết hạn. Sau khi đặt cọc, tôi hỏi sẽ được bố trí ở phòng loại nào thì họ trả lời qua loa rồi chặn tin nhắn, fanpage cũng biến mất”, chị Nguyễn Ngọc Hân bức xúc kể lại. Kế hoạch đi du lịch tan biến, thay vào đó là nỗi ấm ức vì mất tiền oan.

Hóa đơn giả mà các đối tượng gửi cho khách hàng nhằm tạo lòng tin.  

Chị Nguyễn Ngọc Hân chỉ là một trong số nhiều nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo tour du lịch giá rẻ. Ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết: “Vào mùa cao điểm du lịch, tình trạng lừa đảo trực tuyến có xu hướng gia tăng. Các đối tượng xấu thường lợi dụng sự chủ quan và nhu cầu cao của du khách để thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi, thông qua các hình thức như tour giá rẻ bất thường, cam kết visa không có căn cứ, vé máy bay và vé tàu giả, đặt phòng khách sạn ảo, hay giả mạo thương hiệu các công ty du lịch uy tín".

Gõ từ khóa “tour du lịch hè giá rẻ” hay “đặt phòng resort” trên mạng, hàng loạt kết quả với mức giá “không tưởng” hiện ra. Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi trong việc tạo ra những trang web và fanpage giả mạo, có giao diện giống các resort, các hãng hàng không, các công ty du lịch nổi tiếng như Vinpearl, Bamboo Airways, Vietravel..., thậm chí còn có cả dấu tích xanh xác thực của mạng xã hội. Những trang giả mạo này còn được chạy quảng cáo rầm rộ với hàng chục nghìn lượt theo dõi ảo và vô số bình luận khen ngợi, tạo cảm giác tin cậy để lừa khách du lịch.

Bên cạnh đó, kẻ gian thường đưa ra những gói ưu đãi “trong mơ” kèm theo nhiều tiện ích hấp dẫn như tặng vé vui chơi, bữa ăn, dịch vụ nghỉ dưỡng với mức giá rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn đến 1-2 triệu đồng, cùng các số hotline để “tư vấn”. Thực chất, đây chỉ là số điện thoại để chúng tiếp nhận thông tin và thúc giục khách hàng chuyển khoản số tiền cọc, thường từ 30% đến 50% tổng giá trị dịch vụ. Các đối tượng lừa đảo sẽ "tư vấn" rất nhiệt tình, đưa ra nhiều lý do như “giữ chỗ ưu đãi” hay “không bỏ lỡ chương trình khuyến mãi độc quyền”, “ưu đãi sắp kết thúc” nhắm kích thích tâm lý ham rẻ hoặc gây áp lực, khiến người tiêu dùng bị thao túng tâm lý, vội vàng chuyển tiền cọc. Sau khi nhận tiền cọc của khách hàng, các đối tượng lừa đảo sẽ chặn tài khoản liên lạc, “bốc hơi” không để lại dấu vết. 

Nhu cầu du lịch của người dân và du khách tăng trong dịp hè. 

Để tránh “tiền mất tật mang” trước những chiêu trò lừa đảo tinh vi trong mùa du lịch, mỗi người cần tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn những công ty du lịch uy tín hoặc các app du lịch, dịch vụ có thương hiệu rõ ràng, có uy tín để đặt tour, phòng khách sạn hay vé máy bay. Khi gặp những lời mời chào các gói du lịch với mức giá rẻ, nên cảnh giác vì đây thường là dấu hiệu của lừa đảo. Đồng thời, cần thận trọng khi các đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ; nếu có thể, hãy ưu tiên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp. Bên cạnh đó, cần chú ý đến các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Tên website giả thường gần giống với tên website của thương hiệu thật, nhưng có thể thiếu hoặc thêm một số ký tự và thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk... Cùng với đó, hãy luôn xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn. 

Bài và ảnh: BẢO NGÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.