Các hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế săn bắn trái phép; đốt rừng làm rẫy, xâm lấn đường biên... vẫn khá phổ biến. Nhưng nay, những hiện tượng vi phạm pháp luật nêu trên gần như không còn, sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên một bước; đời sống vật chất, tinh thần cũng không ngừng được cải thiện.
 |
Đồn Biên phòng Mo Rai phối hợp với địa phương thực hiện mô hình “Tiếng loa biên phòng”. |
Anh A Giỗi, người dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai là người tự nguyện giao nộp cho Đồn Biên phòng (ĐBP) Mo Rai khẩu súng kíp do mình chế tạo. Khẩu súng đã theo A Giỗi đi săn nhiều năm và như một vật bất ly thân. Nhưng khi được bộ đội biên phòng (BĐBP) đến tuyên truyền, giải thích việc sử dụng súng là vi phạm pháp luật, anh liền giao nộp. “Trước đây, tôi không hiểu nên đã chế tạo súng để đi săn và làm vật phòng thân nhưng nay BĐBP đã nói cho tôi hiểu về những nguy hiểm khi sử dụng súng tự chế. Bởi vậy, tôi đã tự nguyện nộp lại và không bao giờ chế tạo súng nữa”, anh A Giỗi cho biết. Già làng A Blong, ở làng Le phấn khởi nói: “Không riêng gì A Giỗi mà đồng bào Rơ Măm đã nghe bộ đội, không còn cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế nữa, bà con đã mang nộp hết cho lực lượng chức năng. Bộ đội và các ban, ngành của xã đã tuyên truyền để đồng bào Rơ Măm sống, làm việc theo pháp luật”.
Theo Thiếu tá Bùi Văn Thành, Đồn trưởng ĐBP Mo Rai (BĐBP tỉnh Kon Tum), sự đổi thay nói trên là thành quả của việc thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”. Đặc biệt, hệ thống chính trị xã Mô Rai đã phối hợp tốt với ĐBP Mo Rai và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) làm tốt công tác PBGDPL cho nhân dân, nhất là triển khai các chương trình, mô hình an sinh xã hội để lồng ghép PBGDPL như: Mô hình “Gắn kết hộ”, “Đội sản xuất kết nghĩa với thôn, làng”, “Trồng lúa nước”; Chương trình “Đổi gạo lấy vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế”, “Bánh chưng xanh”, “Chăn ấm mùa đông”... của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78; mô hình “Đảng viên ĐBP sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi ĐBP”, “Tủ sách pháp luật”, “Tiếng loa biên phòng”, “Tổ hòa giải”, “Tổ tự quản”, “Ngày pháp luật”... của ĐBP Mo Rai.
Nhờ đó mà hoạt động PBGDPL cho nhân dân được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bộ đội làm mẫu, làm trước cho đồng bào học tập, làm theo; kết hợp các hoạt động hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế với PBGDPL; phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động nhân dân. Trung tá Nguyễn Đình Kỷ, Phó đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 cho biết: “Ngoài phối hợp xây dựng các mô hình, trong 5 năm qua, các ban, ngành của xã, ĐBP Mo Rai và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 còn triển khai nhiều hoạt động phối hợp PBGDPL cho nhân dân hiệu quả, như: Cử cán bộ tham dự các cuộc họp dân ở thôn, làng để trực tiếp nắm bắt dư luận, nguyện vọng của nhân dân và tiến hành các nội dung PBGDPL; biên soạn, phát hành 30 đề cương và 14 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật với hơn 1.400 tờ phát đến tận tay người dân; tổ chức 34 đêm diễn văn nghệ lồng ghép tuyên truyền pháp luật, thu hút gần 5.000 lượt người xem; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho công nhân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”...
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN