Cán bộ, phóng viên, nhà báo trong các cơ quan báo chí nước ta đều được đào tạo cơ bản qua các nhà trường, học viện, được trang bị đầy đủ hệ thống lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và lý luận về nghiệp vụ báo chí nói riêng. Không ít nhà báo có trình độ học vấn, năng lực chuyên môn cao, đáp ứng những công việc khó, như: Nghiên cứu, dịch thuật, phê bình, bình luận... Xét về tôn chỉ, mục đích của mọi cơ quan báo chí, mọi phóng viên, nhà báo là phụng sự mục tiêu lý tưởng của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân.

Nhìn lại lịch sử hơn 90 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo trong cả nước rất tự hào vì luôn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng hành, đề cao vị trí, vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng. Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta cũng cho thấy, các nhà cách mạng lớn đều là những người coi trọng báo chí và tích cực tham gia các hoạt động báo chí để phục vụ cách mạng. Nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước từng trưởng thành từ nghề báo, thường xuyên viết báo và chỉ đạo qua báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam là một nhà báo lớn, nhà báo xuất sắc vươn tầm quốc tế và thời đại. Trong những năm đầu bước vào công cuộc đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và hiện nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm và đồng hành cùng báo chí nước nhà.

Đội ngũ nhà báo cũng là đội ngũ trí thức của Đảng và đất nước, là lực lượng tiên phong của Đảng trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước nói chung, nền báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, vị trí, vai trò của báo chí và nhà báo có lúc, có nơi chưa được đánh giá đúng mức và có phần xem nhẹ. Ở nhiều nơi và có nhiều người coi báo chí, nhà báo, nhất là các cơ quan báo chí cấp ngành, địa phương chỉ như những người phục vụ. Không ít người coi báo chí của ngành mình, địa phương mình là công cụ để "đánh bóng" hình ảnh, tên tuổi, còn nhà báo chỉ là người “thừa lệnh”... 

Từ thực tế trên, các cấp, các ngành cần có cái nhìn thấu tỏ sứ mệnh của nhà báo, đánh giá đúng vị trí, vai trò của nhà báo để thiết thực khuyến khích, bảo vệ theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII và cần sớm được cụ thể hóa. Theo đó, ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất cho nhà báo tác nghiệp, các cấp, các ngành, các địa phương nên có cơ chế khuyến khích nhà báo nói thẳng, nói thật những khuyết điểm, hạn chế của ngành mình, địa phương mình để kịp thời khắc phục, sửa sai trên tinh thần "sai đâu sửa đấy", không ngại va chạm với báo chí. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội như hiện nay, vai trò định hướng dư luận của báo chí càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thấy rõ sự nguy hại khôn lường từ các vụ việc khủng hoảng truyền thông, tin giả trên mạng xã hội, từ đó cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời cho nhà báo để định hướng dư luận, lấy thông tin chính thống để "nắn dòng" thông tin sai lệch, lấn át tin giả. Như vậy, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà báo cũng chính là để bảo vệ uy tín cho cơ quan, đơn vị mình, là việc nên làm và cần làm ngay. 

Đối với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan báo chí cần có nhiều hơn nữa cơ chế khuyến khích đội ngũ cán bộ, phóng viên tích cực đổi mới, sáng tạo cách viết, cách làm báo trong thời đại công nghệ 4.0, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hiệu ứng xã hội tích cực trong các tác phẩm báo chí. Thường xuyên đồng hành, quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, phóng viên, nhà báo triển khai các ý tưởng sáng tạo, tư duy mới, phát kiến cách làm mới trong hoạt động báo chí.

 

leftcenterrightdel
Nhà báo tác nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN. 

Đối với đội ngũ nhà báo chuyên viết mảng điều tra, chống tiêu cực, tham nhũng, sự đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích và bảo vệ từ các cơ quan bảo vệ pháp luật đến cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí giống như tấm khiên vững chắc để nhà báo dũng cảm đối mặt, dấn thân vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, các sản phẩm báo chí điều tra ban đầu có thể chỉ đơn thuần là nêu ra hiện tượng, nêu ra vấn đề, do vậy, người đứng đầu cơ quan báo chí cần có sự xem xét thấu đáo trong việc cho phép đăng tải. Bởi lẽ, rất có thể chỉ từ những thông tin ban đầu có tính chất gợi mở ấy sẽ trở thành đầu mối quan trọng để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều vụ đại án tham nhũng, tiêu cực bị đưa ra xét xử nghiêm minh thời gian qua được khởi phát từ những thông tin ban đầu trên báo chí.

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận lại, thời gian qua, vai trò, vị trí của báo chí và nhà báo có lúc, có nơi bị xem nhẹ, bởi trong đội ngũ có một bộ phận cán bộ, phóng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, không vượt qua được ma lực của đồng tiền và cám dỗ vật chất. Để lấy lại vị thế, thanh danh của đội ngũ nhà báo trong nền báo chí cách mạng thì cần phải quyết liệt, quyết tâm đấu tranh chống tiêu cực ngay trong đội ngũ. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để loại bỏ ngay những kẻ giả danh, mượn danh nhà báo để “ăn bẩn”, tống tiền doanh nghiệp... Đó cũng là nhóm giải pháp hữu hiệu và thiết thực để bảo vệ những nhà báo chân chính; bảo vệ, giữ gìn uy tín của cơ quan báo chí.

Hiện nay, vị trí, vai trò của báo chí tiếp tục được khẳng định trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh về công tác cán bộ, sự phát triển của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, phóng viên trong lĩnh vực báo chí vẫn bị bó hẹp trong khuôn khổ một tờ báo, một tòa soạn. Đại đa số nhà báo chủ yếu công tác, làm việc rồi nghỉ hưu tại cơ quan báo chí mà rất ít có sự luân chuyển, phát triển ở những vị trí cao hơn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Do đó, các cấp, các ngành cần có cái nhìn rộng mở, đổi mới tư duy trong sử dụng, tạo nguồn phát triển cán bộ từ đội ngũ nhà báo.

Các thế hệ nhà báo trong nền báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn làm tròn sứ mệnh sáng tạo, cống hiến, đấu tranh bảo vệ lợi ích chung. Để tiếp tục khuyến khích, bảo vệ nhà báo một cách chặt chẽ, toàn diện hơn, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí nghề nghiệp, quy định cụ thể, chặt chẽ từ các hình thức khuyến khích, khen thưởng đến cơ chế bảo vệ nhà báo. Mỗi cơ quan báo chí cũng cần có khung tiêu chuẩn, bộ tiêu chí riêng để vừa bảo vệ tốt cán bộ, phóng viên, vừa bảo vệ uy tín của cơ quan báo chí và khuyến khích, động viên các nhà báo phát huy hết năng lực, sở trường, không ngừng đổi mới, sáng tạo, dấn thân, cống hiến. 

NHÓM PHÓNG VIÊN