Trước sự “tấn công” của một số tài khoản trên mạng xã hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã lên tiếng nhờ sự vào cuộc của luật sư và cơ quan chức năng để bảo vệ danh dự cá nhân.

Điều gì khiến hoạt động sáng tác-phê bình diễn biến căng thẳng đến mức người trong cuộc phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật? Theo dõi những phản ứng trên một số tài khoản mạng xã hội xung quanh vấn đề này, rất nhiều người đã phải lắc đầu ngán ngẩm. Trước một tác phẩm có dư luận đa chiều, thay vì phê bình bằng học thuật, một số người đã cố tình “ném” thi ca ra khỏi vòng văn hóa. Họ sử dụng những ngôn từ hết sức nặng nề để chửi bới tác giả, trích dẫn sai lệch văn bản tác phẩm, lèo lái dư luận theo hướng tiêu cực nhằm xúc phạm danh dự, hạ bệ cá nhân.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: laodong.vn

Một dẫn chứng khác cũng “nóng” không kém, đó là tập thơ “Thả” của nhà thơ Mai Văn Phấn. Một số bài sáng tác theo phong cách thơ “Haiku” của Mai Văn Phấn bị “ném đá” tơi tả. Đàm tiếu, bỉ bai tác phẩm chưa đủ, không ít người còn réo tên tác giả ra nguyền rủa, thóa mạ bằng những ngôn từ tục tĩu.

Trong hành trình tìm tòi, sáng tạo, không phải tác phẩm nào viết ra cũng hay, kể cả những tác giả tài năng. Vấn đề đặt ra là, cảm thụ, phê bình thi ca phải dựa trên chính cái phông văn hóa của thi ca. Nếu ai đó chưa thể chạm đến học thuật thì sự khen-chê cũng phải dựa trên nhu cầu cảm thụ và thái độ văn hóa. Không ít người dù chưa một lần lướt qua văn bản tác phẩm, không có nền tảng kiến thức về lý luận phê bình, chưa từng viết nổi một câu thơ, nhưng chỉ mới nhìn thấy vài hình ảnh cắt cúp lan truyền trên không gian mạng cũng nhảy vào a dua, chửi bới, miệt thị tác giả, kéo theo cơn “lên đồng” của những người khác.

Là người sáng tác, ai cũng mong muốn tác phẩm của mình được công chúng đón nhận. Tác phẩm sau khi được xuất bản, số phận của nó như thế nào hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tác giả. Nó được định đoạt bởi công chúng. Sự khen-chê đối với tác phẩm văn học, vì thế là chuyện rất bình thường và rất cần thiết. Khen đúng, chê đúng trên tinh thần học thuật và thái độ văn hóa chính là cách góp phần thúc đẩy, chấn chỉnh hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm. Hơn lúc nào hết, môi trường thi ca nói riêng, văn học-nghệ thuật nói chung cần sự dân chủ, thẳng thắn, công bằng, khách quan, trí tuệ, văn hóa... trong hoạt động sáng tác, phê bình. Ngược lại, thói a dua, cảm tính, nói lấy được, hội chứng đám đông, thích chửi cho sướng miệng... chẳng khác gì lấy con dao cùn dính bùn để phẫu thuật vết thương. Thói vô trách nhiệm, bẩn tính đó chỉ làm nhiễu nhương, vẩn đục môi trường sáng tạo văn học-nghệ thuật. Thật nguy hại khôn lường!

Càng nguy hại hơn nếu ai đó vì động cơ cá nhân, lợi dụng hoạt động phê bình để kích động, lôi kéo, hạ bệ cá nhân, xúc phạm danh dự công dân... Trong trường hợp đó, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, sự can thiệp của pháp luật là rất cần thiết và phải xử lý kịp thời, nghiêm minh.

ĐỨC GIANG