Trong cuộc dấn thân có không ít rủi ro, nguy hiểm ấy, những nhà báo rất cần sự khuyến khích, bảo vệ đúng như tinh thần của Kết luận 14 của Bộ Chính trị, khóa XIII.

Bài 1: Dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro

Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV-năm 2020 vừa được tổ chức trang trọng tại Thủ đô Hà Nội tối nay (24-10) để tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam trong năm qua. Các tác phẩm được vinh danh đã góp phần phản ánh khá toàn diện về thực trạng xã hội; trong đó có các tác phẩm phóng sự, phóng sự điều tra đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, tội phạm có tổ chức... được Hội đồng chung khảo đánh giá cao.

Năm 2020 có thêm một đề tài mới thu hút sự vào cuộc của đông đảo nhà báo trong cả nước, đó là cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19.

Các tác phẩm đoạt giải đã truyền đi thông điệp về sự dấn thân, sáng tạo không ngừng, không nghỉ của các nhà báo.

Nhiều tác phẩm báo chí điều tra sau khi đăng tải trở thành tâm điểm của dư luận xã hội, được các cơ quan chức năng quan tâm và nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ. Nhiều tác phẩm báo chí chuyên luận, chính luận với những lập luận sắc sảo, phân tích sâu kỹ vấn đề được nêu ra, đôi khi là đi ngược với số đông nhưng đã gợi mở cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội những vấn đề mới trong xây dựng và hoạch định chính sách, chiến lược phát triển...

Điều này tiếp tục là minh chứng cho tinh thần xông pha, dám dấn thân đối mặt, dám nói thẳng, nói thật và dám chấp nhận rủi ro của đội ngũ nhà báo.

leftcenterrightdel
 Phóng viên Báo QĐND tác nghiệp giữa vùng rốn lũ. Ảnh: Tuấn Sơn/qdnd.vn

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn xảy ra ở các ngành, các địa phương được đưa ra trước ánh sáng công luận và xử lý đến nơi đến chốn đều có sự đóng góp rất lớn của báo chí, do cơ quan báo chí, nhà báo phát hiện, vào cuộc.

Ví dụ như gần đây là các vụ đại án Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh...

Không chỉ phát hiện, vào cuộc điều tra làm rõ nhiều vụ việc tiêu cực, các nhà báo và cơ quan báo chí còn quyết tâm đi đến tận cùng của sự thật; thậm chí tư liệu điều tra của nhà báo còn trở thành cứ liệu quan trọng để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh.

Chúng ta còn nhớ, tháng 5-2016, trên mạng xã hội xôn xao về hình ảnh chiếc xe ô tô nhãn hiệu Lexus 570 mang biển số xanh xe công vụ của ông Trịnh Xuân Thanh (khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).

Ngay lập tức, nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc điều tra, làm rõ và có nhiều bài phản ánh. Từ đây, nhiều hành vi vi phạm pháp luật cũng như quá khứ với bề dày “thành tích”, cùng một “di sản” thua lỗ của ông Thanh đã được báo chí từng bước làm rõ, đưa ra ánh sáng, mở rộng dư luận.

Báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ, đến nay có hàng nghìn bài báo về vụ án Trịnh Xuân Thanh. 

Cũng từ vụ án này, đã và sẽ còn liên quan đến nhiều người, nhiều vụ việc khác với tính chất, mức độ khác nhau, cho thấy sự vào cuộc rất lớn của báo chí, sự dấn thân, quyết tâm đi đến tận cùng sự thật của các nhà báo.

Thời gian qua, đội ngũ nhà báo trong các cơ quan báo chí cả nước đã đi đầu và phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội và dũng cảm đối mặt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống buôn lậu, hàng giả...

Đây là cuộc đấu tranh đầy khó khăn, phức tạp, thậm chí rất nguy hiểm vì liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm, đụng chạm đến những người có quyền lực, có mối quan hệ rộng. 

Khi gõ từ khóa “nhà báo bị hành hung” trên Google, chúng ta dễ dàng tìm thấy trên công cụ tìm kiếm này hiển thị hơn 380.000 kết quả. 

Gần đây nhất, vào tháng 7-2021, một phóng viên trong quá trình tác nghiệp, xác minh thông tin về tình trạng khai thác trái phép tài nguyên trên địa bàn xã Tân Hương và xã An Dũng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã bị hai đối tượng tấn công. 

Nêu những dẫn chứng trên để thấy tính chất, mức độ nguy hiểm, rủi ro của các nhà báo trong tác nghiệp nói chung. Đã có không ít người bị đe dọa đến tính mạng của bản thân và gia đình, có người phải gánh chịu hậu quả từ những đòn trả thù hèn hạ.

Thế nhưng, tất cả những điều đó không thể làm chùn bước các nhà báo dám đấu tranh, dám dũng cảm đối mặt, dám chấp nhận rủi ro vì lợi ích chung. Họ hành động không vì điều gì khác là đi tìm sự thật, đấu tranh thẳng thắn với cái sai, cái tiêu cực trong xã hội.

Bằng những tác phẩm mang đầy sức chiến đấu, các nhà báo trên tuyến đầu chống tham nhũng, tiêu cực đã lên án mạnh mẽ, phanh phui, “điểm mặt chỉ tên” từng đối tượng, vụ việc cụ thể.

Những phẩm chất tác nghiệp và kết quả cống hiến của đội ngũ nhà báo là sự kế thừa truyền thống của các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam.

Trong chiến tranh, đội ngũ những người làm báo cách mạng của các cơ quan báo chí hàng đầu như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân,... sẵn sàng xông pha nơi chiến trường ác liệt, dũng cảm đối mặt với kẻ thù.

Để có những thước phim, những bức ảnh đi vào lịch sử, những bài viết truyền tin chiến thắng, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh và sẵn sàng hy sinh cho dòng tin chảy mãi, trở thành một phần của lịch sử.

Thời gian qua, đội ngũ những người làm báo trên khắp cả nước tiếp tục thể hiện tinh thần xung kích đi đầu trong cuộc đối đầu với thiên tai, bão lũ, nhất là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ trường hợp anh Đinh Hữu Dư, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bị nước lũ cuốn trôi khi tác nghiệp tại Yên Bái vào tháng 10-2017.

Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, ở những nơi tâm dịch, điểm nóng, hay những vùng “đỏ đậm đặc” của dịch bệnh, cùng với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống dịch luôn có sự hiện diện của những nhà báo.

Không hề lo ngại trước nguy cơ lây nhiễm bệnh cao có thể đe dọa đến tính mạng, những nhà báo trên tuyến đầu chống dịch không ngừng dấn thân, đối mặt để truyền tải sớm nhất, nhanh nhất thông tin thời sự và lan tỏa tinh thần đoàn kết, quyết tâm "chống dịch như chống giặc" đến từng nhà, thấm vào từng người, góp phần quan trọng vào kết quả phòng, chống dịch như hiện nay.

Mặc dù đã có nhiều thống kê, đánh giá của các tổ chức quốc tế, nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm và nhiều rủi ro, nhưng trên hết, trong lịch sử hơn 90 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo luôn nêu cao tinh thần dám đi và đi trước, dám làm và làm tới cùng, dũng cảm đối mặt, đương đầu với khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng “tuyên chiến” với cả quan tham cũng như tội phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng, với tính chất công việc, đặc thù nghề nghiệp đầy rủi ro, thách thức, ngoài những cơ chế khuyến khích nhà báo dấn thân, cống hiến để có những tác phẩm hay, giàu sức chiến đấu thì cần có nhiều hơn nữa các cơ chế để bảo vệ nhà báo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Đó sẽ là sự khích lệ lớn lao đối với các nhà báo xông pha trên tuyến đầu chống tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ, làm lan tỏa cái hay, cái đẹp trong xã hội.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN