Như vậy, về cơ chế, thể chế bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp đã rõ ràng, nhưng vẫn còn đó đôi điều khiến các nhà báo không khỏi băn khoăn, trăn trở.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về báo chí, thời gian qua, việc thực hiện các quy định của Luật Báo chí được các cơ quan, địa phương thực hiện tương đối tốt. Vai trò, vị trí của báo chí nói chung và nhà báo nói riêng được khẳng định rõ nét trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước. Trong quá trình tác nghiệp, nhìn chung đội ngũ nhà báo trong các cơ quan báo chí luôn được các cơ quan chức năng tạo điều kiện, cung cấp thông tin theo quy định.

Các cơ quan báo chí luôn khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên, biên tập viên về điều kiện làm việc, trang bị máy móc, thiết bị tác nghiệp và làm tốt công tác định hướng tuyên truyền; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, dìu dắt lớp phóng viên trẻ từng bước tiến bộ, trưởng thành. Bên cạnh đó, hội nhà báo các cấp làm tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hội viên; tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên trong quá trình tác nghiệp; tổ chức thực hiện tốt các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

leftcenterrightdel
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân chuẩn bị trước khi vào tác nghiệp tại khu cách ly đặc biệt Bệnh viện Quân y 110 (Quân khu 1). Ảnh: qdnd.vn  

Tuy vậy, nhìn từ góc độ nghiệp vụ, đội ngũ nhà báo, nhất là nhà báo điều tra chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn “đơn thương độc mã” trên hành trình tác nghiệp. Chúng ta thấy rằng, có thời điểm trong “làng báo” rộ lên tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ bài”. Đó là cách ví von về thực trạng các bài viết phản ánh sai phạm, những yếu kém, bất cập ở các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp... Sau khi bài báo được đăng tải trên báo điện tử, làm nóng dư luận xã hội thì ngay lập tức, người đứng đầu cơ quan báo chí sẽ nhận được không ít các cuộc điện thoại của tổ chức, cá nhân bị phản ánh trong bài viết để giải trình, rồi xin gặp gỡ, xin gỡ bài...

Đó là chưa kể có cả những cuộc điện thoại của lãnh đạo cấp cao gây sức ép với người đứng đầu cơ quan báo chí buộc phải gỡ bài. Điều này khiến những phóng viên trực tiếp điều tra, viết bài không khỏi hụt hẫng, không bảo vệ được quyền tác giả, không được bảo vệ tác phẩm khi bài báo có chút “gợn”, làm suy giảm tinh thần đấu tranh, dám nói lên sự thật của nhà báo.

Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên, nhà báo ở nhiều cơ quan báo chí cũng thường xuyên phản ánh về việc có nhiều vấn đề mới mang tính phát hiện, có nguồn tin tin cậy về tiêu cực, sai phạm, có tính đấu tranh nhưng không được cấp ủy, người đứng đầu cơ quan báo chí đồng ý cho thực hiện. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phổ biến là do chủ đề bài viết liên quan đến vấn đề nhạy cảm, động chạm đến người này, người kia... Lâu dần, khiến cho ai cũng muốn ở trong vòng an toàn mà không ai muốn đổi mới, sáng tạo cách viết hoặc tìm kiếm những chủ đề, đề tài mới.

Còn với mảng báo chí chính luận, đội ngũ các nhà báo tham gia đấu tranh chống diễn biến hòa bình phải đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí là bị các thế lực thù địch, các phần tử phản động đe dọa bản thân và gia đình. Dĩ nhiên, mọi sự khủng bố tinh thần của kẻ xấu không thể làm nhụt ý chí của các nhà báo. Tuy nhiên hiện nay, ngoài việc các nhà báo chủ động phòng ngừa các rủi ro và phần lớn là tự bảo vệ mình là chính thì vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng để khuyến khích cũng như bảo vệ nhà báo trên mặt trận đấu tranh chống "diễn biến hòa bình".

Những năm gần đây, các tác phẩm báo chí mang tính chất điều tra, phanh phui các vụ việc tiêu cực, đi trước cơ quan chức năng ngày càng có xu hướng ít đi. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phần lớn là các nhà báo gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, rủi ro khi tiếp cận nguồn tin, bị cản đường, thậm chí bị hù dọa... Có câu “nói có sách, mách có chứng”, “án tại hồ sơ”, đây cũng là điều kiện cần, là tư liệu không thể thiếu của các bài viết điều tra, phản ánh sai phạm.

Mặc dù vậy, hầu hết các nhà báo làm điều tra hiện nay khó tiếp cận với các nguồn thông tin, tài liệu chính thống. Nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị có sai phạm nhưng tìm mọi cách để bưng bít thông tin. Nhiều đơn vị bị thanh tra, kiểm tra, mặc dù đã có kết luận, nhưng nơi này đùn đẩy cho cơ quan kia trong việc cung cấp thông tin để ngăn không cho báo chí tiếp cận. Chính vì vậy, những sai phạm sau thanh tra, hồ sơ vụ việc khó có thể đến được tay nhà báo.

Viết điều tra, phản ánh tiêu cực là động chạm đến những người có quyền lực hay những đối tượng làm ăn phi pháp, có rất nhiều tiền, có quan hệ rộng, thậm chí sẵn sàng “xử lý” nhà báo bất cứ lúc nào. Mặt khác, những nhà báo viết bài điều tra chống tiêu cực, thường xuyên phải đối mặt với cám dỗ về vật chất, đôi khi còn bị sức ép về chính trị. Không ít trường hợp, nhà báo vừa bắt tay vào điều tra doanh nghiệp này, tổ chức kia có dấu hiệu sai phạm thì đã bị cơ quan báo chí “tuýt còi” vì doanh nghiệp vận dụng các mối quan hệ, gọi điện, gặp gỡ cơ quan báo chí để “xin”.

Với những tác phẩm báo chí điều tra đã được xuất bản, chưa bàn đến thành tích tốt, tác phẩm báo chí hay làm dậy sóng dư luận; chưa rõ thông tin trong bài báo đúng, sai ra sao nhưng sẽ có ngay đơn kiện của tổ chức, cá nhân bị viết bài phản ánh sai phạm. Có cơ quan báo chí khi nhận được đơn khiếu nại thì yêu cầu phóng viên giải trình, buộc dừng tuyến bài đang đăng dở khiến nhiều người nhụt chí, nản lòng...

Thời gian qua, đội ngũ nhà báo ở tất cả các cấp đã luôn phát huy tốt vai trò tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt và chấp nhận rủi ro để có những tác phẩm báo chí giàu sức chiến đấu, đấu tranh mạnh mẽ với tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chống "diễn biến hòa bình".

Những vấn đề đặt ra trên đây tuy không mới, không lớn nhưng vẫn tồn lại lâu nay trong hệ thống báo chí ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở, khiến nhiều nhà báo băn khoăn, trăn trở. Do đó, cùng với hệ thống các cơ chế, chính sách pháp luật bảo vệ nhà báo, các cơ quan báo chí cần thiết lập và vận hành những cơ chế riêng để đồng hành với nhà báo, để nhà báo không còn "đơn thương độc mã" trên hành trình tác nghiệp. Qua đó vừa để khuyến khích, vừa bảo vệ cán bộ, phóng viên, nhất là những người trên tuyến đầu đấu tranh với tiêu cực để đội ngũ nhà báo không ngừng dấn thân, cống hiến, sáng tạo vì lợi ích chung.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN