(Tiếp theo và hết)

Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta: "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng mà có hại". Thực chất, lời căn dặn đó là việc tổ chức lực lượng vũ trang (LLVT) và đấu tranh vũ trang không thể không dựa hẳn vào sự giác ngộ sâu sắc về chính trị-cụ thể là giác ngộ về chủ nghĩa yêu nước-một nét đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa quân sự nói riêng của quần chúng cách mạng.

Sau này, khi quyết định thành lập đội vũ trang đầu tiên ở Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: "Muốn có đội vũ trang mạnh, trước hết phải có đội tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững. Vì vậy, phải ra sức tuyên truyền, vận động quần chúng làm cách mạng". Khi thành lập đội quân chủ lực đầu tiên, Người đặt tên là "Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”, đề ra phương châm xây dựng và hoạt động là "chính trị trọng hơn quân sự”, "tuyên truyền trọng hơn tác chiến".

leftcenterrightdel
Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) tặng quà nhân dân xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: HỒNG HIẾU.

Sau này, khi Quân đội ta đã trưởng thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn xác định, bên cạnh chức năng chiến đấu cơ bản thì vẫn song song hai chức năng khác là công tác và sản xuất.

Sở dĩ như vậy, vì Quân đội ta là một tổ chức vũ trang, vốn sinh ra từ nhân dân để chống lại kẻ thù xâm lược và bảo vệ nhân dân. Cho nên muốn tồn tại, Quân đội ta phải tự tạo cho mình chỗ đứng vững chắc trong nhân dân. Đấy thực sự là một quân đội kiểu mới của Đảng, được xây dựng, phát triển và chiến đấu theo nguyên lý xây dựng quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, đậm đà tính dân tộc và sâu sắc tính nhân dân.

Trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, sở dĩ Quân đội ta đã lập nên những chiến công hiển hách, "chấn động địa cầu", đã đưa dân tộc Việt Nam trở thành "lương tri của thời đại", chính là đã biết tiến hành du kích chiến kết hợp với vận động chiến, chiến tranh tại chỗ kết hợp với chiến tranh cơ động mà sự thể hiện là hai phương thức tiến hành chiến tranh: Chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh của các binh đoàn chủ lực. Trong nội dung của hai phương thức này, phương thức thứ nhất làm nhiệm vụ tiêu hao, mài mòn quân xâm lược, làm cơ sở để phương thức thứ hai tiến lên, giáng đòn tiêu diệt lớn, giành chiến thắng quyết định.

Nguyên lý về hai phương thức tiến hành chiến tranh đã quy định nguyên lý về ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Tác chiến như thế nào, tổ chức, sử dụng lực lượng như thế ấy. Điều mà chỉ riêng ở Việt Nam, chưa hề một nước nào trên thế giới có hệ thống LLVT khác lạ như vậy.

Khái niệm "ba thứ quân” lần đầu tiên được đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5-1941): Đội quân chủ lực trực tiếp vũ trang chiến đấu với quân thù là đội du kích chính thức, dưới nó là tiểu đội du kích cứu quốc và đội tự vệ cứu quốc. Ngày 21-12-1941, Trung ương Đảng lại nhắc nhở các địa phương phải ra sức mở rộng và củng cố các đội tự vệ, qua đó, lựa chọn ra những đội viên ưu tú để phát triển thành các tiểu đội du kích. Bởi vì lúc này, tiểu đội du kích là hình thức mấu chốt để tiến lên đội du kích chính thức. Trong Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa (ngày 7-5-1941), Tổng bộ Việt Minh cũng nêu rõ hình thức ''ba thứ quân'' là Bộ đội du kích, Tiểu tổ du kích và Đội tự vệ cứu quốc. Đến tháng 12-1944, tư tưởng "ba thứ quân” lại được nêu lên một cách đậm nét trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: "Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực, trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên". Và như đã biết, 5 năm sau, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hệ thống "ba thứ quân" được tổ chức một cách hoàn chỉnh. Tư tưởng quân sự về hệ thống tổ chức LLVT này đã phản ánh rõ một truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam là muốn chiến thắng quân xâm lược, việc tiến hành chiến tranh không chỉ riêng quân đội mà còn phải có cả sự tham gia phối hợp rộng rãi của quần chúng vũ trang ở khắp mọi miền.

Khái quát lại, chúng ta có thể tự hào rằng 75 năm qua, "thuộc tính nhân dân" đã làm cho Quân đội ta không những tồn tại mà còn trưởng thành và chiến thắng oanh liệt mọi đạo quân xâm lược trên cơ sở đoàn kết, gắn bó, hòa quyện với dân tộc, với nhân dân. Mối quan hệ keo sơn đó đã được người Việt Nam hóa thành biểu tượng “tình cá nước”-một biểu tượng văn hóa quân sự vừa đúng đắn, chính xác về mặt chính trị-xã hội, khoa học, lại vừa đẹp tươi, rạng rỡ về mặt văn học, nghệ thuật.

Trong quân đội viễn chinh Mỹ, lao động chiến đấu đang là một thứ hàng hóa được mua bán sòng phẳng đối với những người lính lê dương. Vì họ không hề có mục tiêu chiến đấu, nên một trong những "yếu tố" cơ bản nhằm khích lệ, hấp dẫn thanh niên gia nhập quân đội là ban thưởng vật chất; là hậu hĩ lương bổng để hướng những người lính đánh thuê đó vào những cuộc chiến tranh đàn áp đẫm máu. Quân đội đó tuy cũng từ nhân dân nhưng đâu có tính nhân dân.

Hãy làm một so sánh sơ bộ trong lịch sử quân sự dân tộc cũng thấy ngay rằng "thuộc tính nhân dân" đã làm cho Quân đội ta khác hẳn mọi quân đội ra đời từ trước đó. Bởi lẽ, bản chất quân đội nào cũng mang theo trọn vẹn những đặc điểm của giai cấp đã sản sinh ra nó. Dù mang đậm tính dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm lâu dài, nhưng quân đội các triều đại phong kiến chân chính tiến bộ ở nước ta không bao giờ bỏ qua tính giai cấp trong việc bảo vệ quyền lợi riêng của giới cầm quyền. Quân đội nhà Trần tuy hầu hết là nông nô, nô tỳ nhưng trước sự xâm lược của quân Mông-Nguyên, cùng với sự thành công lớn trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước, họ vẫn còn có chức năng là bảo vệ ruộng đất cho giai cấp quý tộc. Trong bài "Dụ chư tỳ tướng hịch văn" (thường gọi là "Hịch tướng sĩ"), Trần Quốc Tuấn-người anh hùng dân tộc ở thế kỷ 13-đã nói rõ với những người chỉ huy quân sự cấp dưới: "Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác". Hay như một quân đội được hình thành từ nghĩa quân Lam Sơn trên cơ sở "manh lệ" như quân đội nhà Lê, nhưng về sau rồi cũng đi tới chỗ chống lại sự phản kháng của quần chúng nông dân bị áp bức.

Đến thời cận đại, để chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp, các đội nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Hoàng Hoa Thám cho đến nghĩa quân Việt Nam quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học... đều tìm cách kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của các bậc tiền bối, nhưng cuối cùng vẫn thất bại vì đã chiến đấu trong sự cách biệt với nhân dân.

Gần đây nhất, trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam (1945-1975) đã ra đời những loại ngụy quân của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, được mệnh danh là "quân đội quốc gia". Về thực chất, các quân đội đó là công cụ tay sai, mang đầy đủ tính chất của giai cấp tư sản xâm lược, chống lại độc lập dân tộc thì làm sao có được tính nhân dân?

Chỉ có một quân đội suốt 75 năm chiến đấu, trưởng thành, được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và có quan hệ máu thịt với quần chúng, đã hành động hết mình cho chủ nghĩa yêu nước, cho nền văn hóa dân tộc như QĐND Việt Nam thì tính nhân dân mới thăng hoa và trở thành một thuộc tính. Và cũng chỉ có "Bộ đội Cụ Hồ"-một biểu tượng văn hóa quân sự của QĐND Việt Nam-mới thể hiện thuộc tính này một cách trung thành rõ rệt, chính xác, hoàn mỹ và đi tới độ vĩnh hằng.

DƯƠNG XUÂN ĐỐNG, Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự