Giải phóng quân là tên gọi theo nhiệm vụ đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ trong những thời kỳ đặc biệt của đấu tranh vũ trang cách mạng ở nước ta. Để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp vào tháng 4-1945 tại Bắc Giang đã quyết định thống nhất Cứu Quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác, thành lập Việt Nam Giải phóng quân vào ngày 15-5-1945, tại làng Quặng (xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Để tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời hợp pháp hóa một bộ phận QĐND Việt Nam trực tiếp chiến đấu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tháng 1-1961, Tổng Quân ủy ra chỉ thị thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành lập, đến giữa tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng Việt Nam Giải phóng quân và đổi tên thành Vệ quốc đoàn-nghĩa đen là "đoàn thể bảo vệ Tổ quốc"-một tên gọi "ngụy trang" nhằm thực hiện chính sách mềm dẻo, khôn khéo, né tránh sự khiêu khích, xung đột với quân Đồng Minh, cụ thể là quân Tưởng đang có mặt ở nước ta lúc bấy giờ.

leftcenterrightdel
Tình cảm người dân huyện Nho Quan (Ninh Bình) dành cho bộ đội Lữ đoàn 241 (Quân đoàn 1).

Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đổi tên Vệ Quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Đây là bản sắc lệnh đầu tiên cho việc xây dựng quân đội chính quy của một quốc gia độc lập. Khi chưa giành được chính quyền, quân đội là công cụ của Đảng, một tổ chức quần chúng vũ trang đặc biệt, cùng với toàn dân đấu tranh giành chính quyền. Khi đã giành được chính quyền, quân đội trở thành một bộ phận cấu thành của Nhà nước. Vì vậy, tên gọi tất yếu phải thay đổi cho phù hợp với tình hình, nhằm xác định rõ quân đội là một công cụ chuyên chính bạo lực của Nhà nước, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Cũng vào những năm 1948-1949, một lực lượng người bản xứ được thành lập trong chiến lược Da vàng hóa chiến tranh và mang tên Quân đội quốc gia Việt Nam. Quân đội này được thành lập trên cơ sở Hiệp định quân sự giữa Pháp và Chính phủ Quốc gia Việt Nam (trực thuộc Liên hiệp Pháp) bằng cách đặt một số đơn vị quân đội Pháp tại Việt Nam, dưới quyền chỉ huy của chính quyền Bảo Đại. Tuy nhiên, quyền quyết định tối cao trên chiến trường vẫn thuộc về người Pháp. Quân đội quốc gia Việt Nam tham chiến cùng quân đội Pháp chống lại quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây chính là tiền thân của Quân lực Việt Nam cộng hòa sau này.

Để tránh nhầm lẫn với quân đội của Bảo Đại, bắt đầu từ năm 1950, quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dần dần chuyển sang danh xưng QĐND Việt Nam. "Quân đội nhân dân" là danh xưng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ". Việc lấy tên là "Quân đội nhân dân" nhằm mục đích thể hiện và giữ vững bản chất giai cấp cùng yếu tố dân tộc của quân đội. Một yếu tố trọng yếu của quân đội là đội quân có nguồn gốc nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ nền độc lập, thống nhất và bản sắc dân tộc. Mặc dù vậy, danh xưng chính thức trên các văn bản hành chính vẫn sử dụng tên gọi Quân đội quốc gia Việt Nam.

Đến ngày 24-9-1954, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới ra Quyết định số 400/TTg: "Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ nay gọi thống nhất là Quân đội nhân dân Việt Nam".

Để hiểu rõ bản chất, một phạm trù gắn chặt với thuộc tính của QĐND Việt Nam, chúng ta hãy ngược dòng thời gian tìm về những đội "tự vệ công nông" xuất hiện từ trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh vào những năm 1930-1931.

Sở dĩ những đội tự vệ này ra đời là do yêu cầu chống khủng bố, bảo vệ sự nghiệp đấu tranh của quần chúng. Vì vậy, chúng còn được mang tên là "tự vệ đỏ"-bảo vệ màu cờ của Đảng. Ngay trong mục đích tổ chức đội tự vệ, Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao, Trung Quốc, tháng 3-1935 đã nêu rõ: "1-Ủng hộ quần chúng hằng ngày. 2-Ủng hộ quần chúng trong các cuộc tranh đấu. 3-Ủng hộ các cơ quan cách mạng và chiến sĩ cách mạng của công nông. 4-Quân sự huấn luyện cho lao động cách mạng. Chống quân thù giai cấp tấn công và làm cho vận động cách mạng phát triển thắng lợi".

Thực tiễn hoạt động của các đội tự vệ đỏ cho thấy, khi chính quyền Xô viết chưa thành lập, lúc có đấu tranh, đội tự vệ bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng, lúc thường thì tổ chức luyện tập, bàn kế hoạch bảo vệ các cuộc đấu tranh. Khi chính quyền Xô viết được thành lập, Ban Chấp hành Nông hội đỏ đã sử dụng đội tự vệ làm công cụ trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh ở nông thôn và chống địch khủng bố. Khi cách mạng đi vào thoái trào, cơ quan và cán bộ rút vào rừng núi, tự vệ đỏ vẫn tiếp tục hoạt động như canh gác bảo vệ cơ quan và cán bộ, rải truyền đơn, cảnh cáo bọn hào lý. Có thể xem những đội tự vệ này là những mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và gợi ý cho chúng ta liên tưởng đến hình thức các đội "dân cảnh", những tổ chức quân sự "tự động" của toàn dân như Ph.Ăng-ghen đã nói.

Chính từ những kinh nghiệm thực tiễn sau hai năm đấu tranh (1930-1931), các đội tự vệ đã tạo điều kiện giúp Đảng ta đề ra được những nguyên tắc, làm cơ sở đầu tiên để xây dựng LLVT nhân dân sau này.

Trong những nguyên tắc xây dựng đội tự vệ, một nội dung rất được nhấn mạnh là phải giữ quan hệ mật thiết với quần chúng: "Đội tự vệ tổ chức và phát triển mật thiết liên lạc với quần chúng. Hằng ngày, tự vệ phải chăm lo tranh đấu, ngăn cản bọn thù giai cấp, nhũng nhiễu công nhân, nông dân. Đội tự vệ phải hết sức ủng hộ quần chúng lao động trong các cuộc bãi công, mít tinh, thị uy, kháng sưu, kháng thuế, bãi thị".

Tuy thế, cũng cần thấy rõ, đội tự vệ chưa phải là đội du kích. Về điểm này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ nhất giải thích: "Công nông tự vệ đội phân biệt với du kích đội. Nó cũng không phải là Hồng quân. Hồng quân, du kích đội không phải bao giờ muốn tổ chức thì tổ chức được ngay, còn đội tự vệ, hễ có cách mạng vận động, dù yếu mấy cũng có thể và cần phải tổ chức ngay. Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận tiện để sau này tổ chức du kích chiến tranh, vũ trang bạo động, Hồng quân". Bởi một lẽ đơn giản là tình hình chính trị-xã hội của 9 năm (1930-1939) lúc bấy giờ chưa đủ điều kiện để đội du kích xuất hiện, cách mạng Việt Nam chỉ mới đạt tới thời kỳ hình thành các LLVT của Đảng.

Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thời kỳ chiến tranh và cách mạng bắt đầu (1939-1945). Khi phát xít Nhật lợi dụng cơ hội Pháp thua Đức, tháng 9-1940, xâm lấn vào Đông Dương, đã dẫn tình thế cách mạng Việt Nam đi vào thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang (1941-1945). Đây cũng là thời kỳ hình thành những đội du kích, những đội vũ trang cách mạng trên đất nước ta. Chẳng hạn như Đội du kích Bắc Sơn, hình thành trên cơ sở cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (ngày 27-9-1940); Quân du kích Nam Kỳ, hình thành trên cơ sở cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23-11-1940); Đội vũ trang Cao Bằng ra đời tháng 11-1941; Đội du kích Ba Tơ ra đời tháng 3-1945, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp một ngày.

DƯƠNG XUÂN ĐỐNG, Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự

(còn nữa)