(tiếp theo kỳ trước)        

Toàn đội gồm 37 chiến sĩ với số vũ khí là 15 súng trường, 10 súng kíp và gươm giáo. Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đến giao nhiệm vụ và trao lá cờ đỏ sao vàng.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, các tổ chức trong mặt trận đều có tên gọi là hội cứu quốc. Do đó, vào cuối tháng 5-1941, đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành đội Cứu quốc quân (thường gọi là Cứu quốc quân I) cho phù hợp với nhiệm vụ mới, do đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, làm chỉ huy trưởng; đồng chí Lương Văn Tri làm chính trị viên. Ngay sau khi thành lập, đội Cứu quốc quân I đã phải chiến đấu liên tục từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7-1941, chống lại cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp vào căn cứ và bị tổn thất nặng.

leftcenterrightdel
Các em học sinh cùng chiến sĩ Lữ đoàn 673 (Quân đoàn 2) làm đẹp cảnh quan đơn vị. Ảnh: MINH HUỆ.

Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, châu Vũ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), đội Cứu quốc quân II được thành lập, gồm 47 chiến sĩ (3 nữ), do đồng chí Chu Văn Tấn làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Cao Đàm làm chính trị viên. Hơn một tháng sau, vào cuối tháng 10-1941, quân số của đội tăng lên 70 người, đồng chí Đào Văn Trường, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Cao Đàm làm chính trị viên. Vũ khí trang bị gồm 4 súng ngắn, 32 súng trường và một số súng khai hậu, súng kíp. Tuy phải chiến đấu vất vả giữa vòng vây của quân thù nhưng đội Cứu quốc quân II cũng gây cho địch nhiều thiệt hại. Tuy vậy, đến tháng 2-1942, thực dân Pháp tập trung lực lượng, mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Võ Nhai. Để bảo toàn lực lượng, tránh tổn thất cho nhân dân, đại bộ phận đội Cứu quốc quân II đã rút khỏi vòng vây của địch, lên vùng rừng núi biên giới Việt-Trung, lập căn cứ, tạo bàn đạp, chờ thời cơ trở về xây dựng lực lượng, còn một bộ phận nhỏ ở lại, phân tán vào trong mường bản, tích cực làm công tác tuyên truyền, tiếp tục gây dựng cơ sở.

Đến cuối năm 1943, con đường "quần chúng cách mạng" nối liền từ khu căn cứ Cao Bằng đến khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai đã hình thành, tạo được điều kiện thuận lợi cho đội Cứu quốc quân II mở rộng địa bàn chiến đấu sang vùng Tuyên Quang. Vì vậy tháng 2-1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng đến Tuyên Quang chỉ đạo đội Cứu quốc quân II hoạt động. Đến ngày 25-2-1944, tại rừng Khuổi Kịch (châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), trước sự chứng kiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt, đội Cứu quốc quân III được thành lập, gồm 30 chiến sĩ, do đồng chí Triệu Khánh Phương làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phương Cương làm chính trị viên. Vừa mới ra đời, đội Cứu quốc quân III đã tích cực hoạt động. Địa bàn giành giật với địch được tỏa rộng từ vùng Sơn Dương (Tuyên Quang) đến Bắc Cạn và các huyện Định Hóa, Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên) rồi lan nhanh tới nhiều vùng thuộc tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, đã tạo nên một khí thế cách mạng sôi nổi trong cao trào kháng Nhật cứu nước cho đến tận cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Vào những năm 1941-1945, cán bộ, chiến sĩ các đội Cứu quốc quân I, II, III đã nêu gương sáng về tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, ngoan cường chiến đấu, không ngừng lớn mạnh, cùng với đà phát triển chung của cách mạng, xứng đáng là những đội quân tiền thân của QĐND Việt Nam. Đến tháng 4-1945, để đẩy mạnh việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã quyết định hợp nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng với các tổ chức vũ trang khác thành Việt Nam Giải phóng quân.

Trong 24 năm (1930-1954), kể từ khi hình thành đội Tự vệ đỏ đến khi xuất hiện tên gọi QĐND, quá trình ra đời và phát triển của các LLVT cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng được chia làm ba thời kỳ nhỏ:

Thứ nhất, thời kỳ hình thành các LLVT (tháng 9-1930 đến 9-1939). Đó là thời kỳ xuất hiện các đội tự vệ công nông, tự vệ đỏ.

Thứ hai, thời kỳ chiến tranh và cách mạng nói chung (tháng 9-1939 đến 8-1945) và cũng là thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang nói riêng. Đó là thời kỳ ra đời của các đội du kích, đội vũ trang, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Đội Việt Nam Giải phóng quân.

Thứ ba, thời kỳ xác lập quân đội của Nhà nước, của dân tộc và của nhân dân (tháng 8-1945 đến 9-1954) với những tên gọi khác nhau: Vệ Quốc đoàn, Quân đội quốc gia, QĐND trong một tên gọi chung là Bộ đội Cụ Hồ.

Như trên đã trình bày, cho đến khi Quân đội ta có tên gọi là QĐND Việt Nam thì danh xưng này, về phương diện ngôn ngữ hành chính mới chỉ ra đúng thuộc tính nhân dân của nó.

Thuộc tính là "đặc tính vốn có của sự vật, nhờ đó sự vật tồn tại và qua đó, người ta nhận thức được sự vật, phân biệt nó với sự vật khác".

Trong quá trình hình thành và phát triển của Quân đội ta, thuộc tính nhân dân đã có một vai trò cực kỳ to lớn.

Trước hết, nhờ thuộc tính nhân dân (về phía chủ quan) mà Quân đội ta đã tồn tại và trưởng thành trong chiến đấu. Thật vậy, lấy nhân dân làm điểm xuất phát cho mục đích tổ chức quân đội, đầu năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ việc “tổ chức quân đội công nông”. Ở đây, cần chú ý một điểm là công cụ bạo lực để tiến hành cách mạng vô sản lẽ ra phải là một quân đội vô sản. Phạm trù quân đội bao giờ cũng gắn liền với phạm trù giai cấp, chỉ phụ thuộc vào một giai cấp nhất định. Bản chất quân đội thể hiện rõ bản chất của chính giai cấp đã tổ chức, xây dựng và lãnh đạo quân đội đó. Song vấn đề đặt ra là cần phải tổ chức một quân đội công nông, một quân đội mà tuyệt đại đa số thành phần đều xuất thân từ giai cấp công nhân và nông dân lao động-những người luôn bị áp bức, bóc lột trong chế độ cũ. Vì vậy, quân đội đó phải là một quân đội công nông, mang bản chất của giai cấp công nhân và mang tính nhân dân sâu sắc. Điều này, trong bản tham luận tại Đại hội I Quốc tế nông dân, vào cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ: "Cách mạng vô sản không thể thắng lợi được ở những nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu giai cấp vô sản không được quần chúng nông dân ủng hộ tích cực”. Tiếp đó, trong tác phẩm "Công tác quân sự của Đảng trong nông dân", lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phân tích sâu hơn: "Một phong trào cách mạng quan trọng trong nông dân, nhất thiết phải sử dụng hình thức hoạt động vũ trang (tức là những hoạt động quân sự có thực của các đội du kích nông dân) chống lại chính quyền của bọn địa chủ, quân đội chính phủ...”. Sự chỉ đạo đúng đắn đó đã tạo cho Quân đội ta một tính cách: Vừa mang bản chất giai cấp công nhân rõ rệt, vừa phản ánh trung thành những nét riêng về sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, một cộng đồng người mà cư dân nông nghiệp chiếm tới 90%.

Để thực hiện tư tưởng này, Nguyễn Ái Quốc đề ra chủ trương đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp người yêu nước trên khắp mọi miền của đất nước và xem đó là lực lượng cách mạng vô cùng hùng hậu. Từ chủ trương trên, tháng 10-1930, Hội nghị Trung ương Đảng đã quyết nghị về nhiệm vụ trước mắt trong công tác xây dựng LLVT là "phải thu phục được quảng đại quần chúng để làm cho cuộc bạo động tương lai được thắng lợi". Như vậy là ngay từ đầu, kể cả phía chủ trương tuyển mộ, xây dựng cũng như phía tình nguyện góp sức tham gia, cả hai đều ra sức tô đậm thuộc tính nhân dân của Quân đội ta. Có thể nói: Dòng chảy hình thành Quân đội ta được tuôn trào mạnh mẽ từ cội nguồn vô tận là nhân dân.

DƯƠNG XUÂN ĐỐNG, Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự                 

(còn nữa)