Sau một thời gian khảo sát, Bộ Tổng Tham mưu đề xuất 3 phương án: Xây dựng những hầm cất giấu hàng tại các đảo rồi dùng ghe thuyền trung chuyển vào đất liền; lựa chọn khu vực gần bờ có nhiều ghe thuyền đánh cá của dân hoạt động để xuống hàng sau đó đưa hàng vào bờ; tìm các cửa sông, bãi biển kín có địa hình thuận lợi cho tàu vào cập bến rồi đổ hàng tại bến.
 |
Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam. (Ảnh tư liệu). |
Qua nghiên cứu, phương án đưa tàu vào các cửa sông là khả dĩ nhất. Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi ở những nơi có địa hình thuận lợi, có nhiều cửa sông, cửa lạch tàu ra vào dễ dàng, có điều kiện ngụy trang kín đáo, thuận tiện cho việc bốc dỡ, cất giấu hàng.
Ở các bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau)... đều có điểm chung là địa hình hiểm trở, cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ tạo điều kiện để các tàu ra vào bảo đảm kín đáo, an toàn. Có sự kiện đáng chú ý, đêm 1-1, rạng sáng 2-1-1967, Tàu 69 (Đoàn 125, Quân chủng Hải quân) bị các tàu chiến, máy bay địch vây ráp từ ngoài biển nhưng khi vào bến Vàm Lũng thì địch mất dấu. Gần 3 năm chúng rải chất độc hóa học hủy diệt những cánh rừng ở Vàm Lũng, cho quân đi lùng sục nhưng vẫn không tìm ra Tàu 69.
Ngày 19-9-1962, Đoàn 962 được thành lập với nhiệm vụ chuyên trách là tổ chức các bến bãi, tiếp nhận, cất giữ, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Vào cuối năm 1964, phong trào đấu tranh cách mạng ở các tỉnh thuộc Khu 5 phát triển mạnh mẽ, do đó cần nhiều vũ khí. Việc chọn nơi nào để vừa tiếp nhận tàu, vừa vận chuyển vũ khí về hậu cứ an toàn là vấn đề phức tạp vì dọc tuyến biển ở khu vực Nam Trung Bộ nơi nào cũng có đồn bốt của địch.
Hai phương án được đưa ra: Vịnh Xuân Đài ở thị xã Sông Cầu và bến Vũng Rô ở thị xã Đông Hòa, thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay. Vịnh Xuân Đài có địa hình dễ đi lại, nhưng hành lang phía sau hẹp, khó cất giấu một lượng vũ khí lớn. Ở Vũng Rô, rừng thưa, toàn cây gai lúp xúp nhưng lại nhiều hang đá. Bến Vũng Rô có nước sâu, tàu vào không lệ thuộc thủy triều. Sau khi được sự đồng ý của Trung ương, tỉnh Phú Yên chọn và mở bến Vũng Rô. Từ cuối năm 1964 đến đầu 1965, bến Vũng Rô đã tiếp nhận 4 chuyến tàu không số vận chuyển hơn 200 tấn vũ khí, hàng hóa từ miền Bắc vào chiến trường Khu 5.
Từ kinh nghiệm lựa chọn, tổ chức và hoạt động của các bến để đón tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là bài học còn nguyên giá trị cho các địa phương ven biển giai đoạn hiện nay, nhất là việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế gắn với xây dựng thế trận, khu vực phòng thủ vững chắc.
SƠN BÌNH