Chiều mùa thu tháng 10-1972, tôi lỉnh kỉnh ba lô, tư trang leo lên chiếc ca nô tiếp tế thực phẩm. Thiếu úy Nguyễn Văn Sửu, Trợ lý quân lực, Phòng Tham mưu (Lữ đoàn 125) nói gọn lỏn, không giải thích gì thêm.

- Lữ đoàn biên chế cậu về tàu 649.

Tôi như người ngủ say bật ngay dậy sau tiếng còi báo động. Sau huấn luyện tân binh ở Thạch Thành (Thanh Hóa) chúng tôi không được vào Nam chiến đấu như kế hoạch. Nhóm 180 chiến sĩ chúng tôi có lệnh đi bộ trở lại miền Bắc. Tôi thất vọng toàn tập, giống như... đất sụt dưới chân. Không được ra trận lúc ấy là cả một sự đau đớn. Người thân, các bạn nữ trong lớp biết tin sẽ nhìn chúng tôi với ánh mắt hình viên đạn là chắc chắn. Hơn nữa, về Hải quân không có chuyên môn chắc chúng tôi chỉ đi cạo sơn đánh gỉ ở cảng. Mấy tháng ăn trực nằm chờ và huấn luyện sau đó đủ để 180 “binh bét” chúng tôi thấm thía.

Tống Hồng Quân (đứng hàng thứ hai, từ phải sang), thủy thủ tàu 649 (Lữ đoàn 125 và thường gọi là Đoàn tàu không số).

Lúc này, tàu 649 đang neo ở biển Cát Bà (TP Hải Phòng). Lên tàu, Thiếu úy Sửu giới thiệu, bàn giao tôi cho Thuyền trưởng Đồng Xuân Chế (quê Nghi Sơn, Thanh Hóa) và Chính trị viên Bùi Tư (quê Nam Định). Khi biết tôi là sinh viên đại học, nhập ngũ theo lệnh tổng động viên tháng 5-1972, hai “lính già” đưa mắt cho nhau rồi nhìn tôi và cùng buông tiếng thở dài ái ngại như hiệp đồng từ trước. Thuyền trưởng Chế gọi Thủy thủ trưởng Nguyễn Văn Mạc đến rồi đưa tôi đi giới thiệu tàu, giao nhiệm vụ ngay vì lúc này tàu 469 đang chờ lệnh, sẽ nhổ neo lên đường bất cứ lúc nào.

Ông hỏi tôi quê ở đâu? Biết bắn súng AK, 12.7 ly, B40, B41, ĐKZ không? Tôi lý nhí trả lời mới được bắn 7 viên AK khi huấn luyện. Ông dằn giọng, mắt trợn trừng khiến tôi như chết đứng:

- Nói to lên, lính thủy ăn sóng nói gió không thể nói như cậu học trò được! Rồi sẽ biết sử dụng tất cả các loại súng.

Ông dẫn tôi xuống hai hầm hàng. Ở hầm hàng lớn tôi thấy chất đầy các thùng gỗ màu xanh lá cây dài ngắn khác nhau, trên ghi dòng chữ CCCP. Tôi hiểu đây là vũ khí đạn dược gồm súng, đạn AK, B40, B41, ĐKZ của Liên Xô viện trợ. Nhìn những hộp bìa carton to nhỏ in biểu tượng dược, tôi biết đó là thuốc, thiết bị y tế và vô số thùng hòm khác nữa. Nhìn những thùng carton có ghi "tặng phụ nữ K9", tôi hiểu chuyến hàng này vào Cà Mau. Thuyền trưởng chỉ một cái nút màu đỏ bên thành tàu và hỏi tôi:

- Biết nút gì đây không?

Tôi lắc đầu.

- Khi gặp địch, nếu không lẩn tránh được, không đánh lại được thì bấm vào nút này, khi đó cả con tàu sẽ tan thành ngàn mảnh, chìm xuống đáy biển để giữ bí mật con đường vận chuyển đường biển vào miền Nam.

Ông nói rồi quay mặt đi. Bất giác người tôi ớn lạnh sống lưng nhưng vẫn hỏi lại ngô nghê:

- Thế mình cũng chết luôn à?

Ông văng một câu chẳng đâu vào đâu: "Xuống mà hỏi hà bá ấy!”.

Sau này tôi mới biết nút hủy tàu được bố trí bí mật. Thuốc nổ được gắn ở mũi tàu, thân tàu, đuôi tàu, khoang máy, hầm hàng và chỉ có thuyền trưởng, chính trị viên mới được ấn nút hủy tàu.

Bữa cơm đầu tiên trên tàu cũng rất ấn tượng mạnh với tôi. 14 cán bộ, thủy thủ ngồi ăn hai mâm, mâm thứ ba để cho kíp trực chiến đang làm nhiệm vụ. Thức ăn được bày la liệt trên nắp hầm hàng. Tôi dùng từ la liệt vì trên mâm nhiều thịt quá. Thịt gà mấy đĩa đầy ú ụ. Đĩa gan lợn rán thái to dày như lưỡi lợn; thịt chân giò sắt miếng, to, dày như bàn tay trẻ em, vun đầy có ngọn; giò lụa khúc to, cắt dày. Đĩa rau muống xào thịt bò mà chỉ thấy thịt chẳng thấy rau đâu. Tôi trộm nghĩ họ đón tiếp mình chu đáo quá. Thuyền trưởng nói ngắn gọn:

- Ăn nhanh, có lệnh đi luôn.

Tôi ăn như rồng cuốn vì lâu lắm rồi mới có bữa ăn ngon nhiều thịt như thế. Thấy mọi người đứng dậy hết, tôi ngượng ngùng định bỏ bát, anh Lâm, Máy trưởng vỗ vai:

- Ăn được thì cứ ăn thật nhiều vào để còn có cái nôn ra!

Dù có nghe thấy câu đó và chẳng hiểu gì nhưng có lẽ do thức ăn ngon quá nên tôi bỏ quên thắc mắc. Ăn xong, tôi nhanh nhảu thu dọn, dồn thức ăn lại vì nghĩ mình là lính mới phải tròn bổn phận. Tôi ngu ngơ hỏi các anh vừa ăn xong.

- Thức ăn thừa để đâu các anh?

Anh Bích cơ yếu đang ngồi vắt chân xỉa răng trên lan can tàu nói tỉnh bơ:

- Đổ xuống biển!

Tôi tròn mắt và chợt thốt lên “sao phí thế?” làm mấy anh thủy thủ cười vang. Một anh nói: “Sau này ông sẽ biết!”

Tôi đổ thức ăn thừa xuống biển mà trong bụng thì tiếc hùi hụi. Nhưng chẳng cần sau này mà chỉ một ngày trên tàu là tôi đã biết chế độ ăn của lính tàu không số. Khi tàu nhận lệnh đi công tác, ra khơi, mức ăn của một thủy thủ là 2,5 đồng/ngày, gấp gần 4 lần tiêu chuẩn của lính trên bờ là 0,68 đồng/ngày. Hơn nữa khi đó chúng tôi được mua thực phẩm ở mậu dịch, được ưu tiên nên thức ăn rất nhiều, rất ngon. Tàu 649 là tàu Quảng Châu, bé nhất, lạc hậu nhất trong đoàn nên không có tủ lạnh.

Thực phẩm bộ phận hậu cần đưa đến chỉ vài bữa đầu là tươi (gà vịt, lợn còn sống, mổ thịt ăn dần). Các bữa sau toàn ăn đồ hộp. Rau củ chỉ để được một, hai ngày là thối, úa. Những ngày sau chủ yếu ăn đồ hộp. Tàu chúng tôi cứ rập rình, lúc chạy ra ngoài đảo Cát Bà, Cát Hải, lúc thì neo cạnh con tàu Ba Lan bị bom Mỹ đậu ở thương cảng Hải Phòng chờ lệnh ra khơi. Tôi tự tin làm nhiệm vụ trên con tàu dưới biển.

Thế rồi việc gì đến cũng đến. Chiều muộn ngày cuối tháng 11-1972, chuông báo động vang lên, chúng tôi nhanh chóng về vị trí. Tiếng thuyền trưởng trên đài chỉ huy vang lên trên đài chỉ huy.

- Nhổ neo!

Thủy thủ chúng tôi bấm nút động cơ cuốn neo, chiếc neo hai càng dính đầy bùn đất vừa nhô lên khỏi mặt nước là tàu ngầm lên, chân vịt quay tít, quạt nước đẩy tàu lao ra cửa Nam Triệu. Tôi lên buồng lái đứng nhìn ra phía trước. Gần tới phao số 0, sóng bắt đầu to. Mũi tàu nhô lên, chúi xuống theo con sóng. Mặt trời chầm chậm chui xuống đường chân trời để lại trên sóng biển xanh tím chiều tà một dải lụa màu vàng lấp lánh. Bỏ lại phía sau đất liền, đảo Cát Bà, Hải đăng Hòn Dấu. Một hồi còi hơi dài vang lên, tạm biệt đất liền, mấy chú hải âu vẫn bay đuổi theo tàu liền chao cánh rẽ bay về phía đảo. Tàu đã ra biển khơi! Trong cabin, tôi bắt đầu thấy chóng mặt, nôn nao. Thuyền trưởng nhìn tôi ái ngại:

- Nếu nôn thì mở cửa để nôn ra ngoài, đừng nôn trong cabin, mất vệ sinh. Quay sang đồng chí hàng hải số 2, ông hất hàm, giọng lạnh băng.

- Lấy cho cậu ấy cái xô!

Tôi vẫn tự tin chống chế “Em không sao!” mặc dù thấy rất khó chịu, bụng nôn nao, cồn cào, mặt trắng bạch, mồ hôi rịn ra trên trán. Tôi mở cửa nách cabin ra ngoài cho thoáng. Vừa mở cửa, luồng gió lạnh ngoài biển thốc vào mặt. Theo phản xạ tự nhiên, tôi há mồm, một dòng hỗn hợp cơm, rau nước vọt ra miệng. Bụng nhẹ bẫng, ngực rộn lên, hơi thở gấp gáp, cơm rau chui đầy hai lỗ mũi.

Mệt lả, tôi giơ tay áo chùi vội nước dãi, nước mắt bước vào cabin. Thuyền trưởng đang chỉ huy tàu liếc xéo. Cậu hàng hải đá nhẹ cái xô về phía tôi như nói nôn vào đấy. Chưa kịp hoàn hồn, khi con tàu chồm lên rồi lại chúi xuống, cơm cháo còn lại trong bụng lại trào lên. Tôi không kịp với cái xô vội bụm tay che miệng, lao ra ngoài. Lại một luồng dung dịch trắng vàng xanh vọt ra nhưng lần này cường độ yếu hơn, ra ít hơn vì trong dạ dày không còn gì nữa. Nó chảy dọc cổ, chui vào ngực, mùi chua, tanh nồng nặc.

Bụng đau như có lưỡi dao cứa vào ruột, vào dạ dày, miệng đắng như ngậm ký ninh. Chốc chốc tôi lại ọe, miệng há, đớp đớp như cá trên cạn mà không nôn ra được. Lúc này tôi mới hiểu say sóng là như thế nào. Mới thấm câu nói của anh Lâm "ăn vào để có cái mà nôn" hôm nào. Nôn hết các thứ trong bụng ra tôi thấy người nhẹ hẳn. Nhìn vào bãi nôn trên sàn cabin buồng lái, tôi nhận thấy lẫn trong rau xanh, cơm trắng, nước dãi xanh vàng có hai vật trắng, dài gần gang tay. Một vật ngọ nguậy, một vật nằm im.

Tôi rùng mình: Giun đũa! Thì ra giun trong bụng cũng say và theo miệng chui ra. Các bạn đừng cho là tởm lợm, cứ đi biển sóng to gió lớn, bị say sóng sẽ hiểu chuyện "nôi ra giun” mà tôi vừa kể.

Đời thủy thủ tàu không số ngày xưa như thế đấy. Chưa nói đến nguy hiểm khi mặt đối mặt với tàu chiến, máy bay Mỹ ngụy mà không có gì để núp, để tránh. Con tàu trên biển khơi mênh mang, nhỏ nhoi như quả trứng luộc trong nồi. Lúc ấy, nó không đẹp, không lãng mạn như những bài thơ, câu hát: "Biển ồn ào, em lại dịu êm. Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía. Biển một bên và em một bên"(*)...

Hà Nội, tháng 10-2021

TỐNG HỒNG QUÂN 

(*) Bài hát Chút thơ tình của người lính biển của tác giả Phan Huỳnh Điểu.