Tham dự phiên toàn thể có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, đại diện cơ quan quốc tế… Tham dự diễn đàn còn có hơn 600 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ phối hợp với Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm có căn cứ tham mưu với Ban chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh bình thường mới. Diễn đàn năm nay có nhiều điểm đặc biệt, trong đó có việc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một cực tăng trưởng đóng vai trò là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước. Thành phố cũng năng động và đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. 

Hiện nay, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật như: Quy mô kinh tế tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần… Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GRDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh, về tổng thể cho thấy, nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn.

Hiện trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GRDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Trong khi đó phần lớn doanh nghiệp FDI là từ các nước mới nổi, hoạt động chủ yếu nhập khẩu để phục vụ sản xuất, từ đó hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế trong nước còn thấp.

 Quang cảnh phiên toàn thể của diễn đàn.

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tại phiên tọa đàm cấp cao, các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng trao đổi về những nội dung chính: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức, đào tạo nhân lực công nghệ số để tạo mũi đột phá về khoa học và công nghệ, quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới…

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để cùng tìm giải pháp phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời nhấn mạnh, diễn đàn đã thống nhất cao và khẳng định chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt và hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta là kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với sự chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Các nhà quản lý, chuyên gia trao đổi tại phiên tọa đàm cấp cao. 

Về sự cần thiết của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết định hướng “độc lập, tự chủ gắn với hội nhập” xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh từ khi thành lập nước đến nay, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong giai đoạn hiện nay, là hết sức cần thiết và đòi hỏi tất yếu khách quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, để thực hiện mục tiêu xây dựng trên, phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc là mục tiêu cao nhất gắn với hợp tác vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển với các nước, thể hiện rõ vai trò là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Trong quá trình xây dựng nền kinh tế luôn xác định rõ, con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Đồng thời, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa và tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tài năng và phẩm chất của con người Việt Nam để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới. Thời gian tới, trước hết phải tạo môi trường hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề diễn đàn. 

Cùng với đó, phải khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá thường xuyên. Đất nước tiếp tục tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chú trọng cần nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng rằng, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA