Theo TS Võ Trí Thành, việc thực hiện phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ hiện nay càng khó hơn trong bối cảnh nước ta cần có những chính sách rất đặc biệt, trong môi trường cũng rất đặc biệt.
 |
TS Võ Trí Thành phát biểu tại Phiên chuyên đề 1. |
TS Võ Trí Thành nhấn mạnh nguyên tắc muốn bắn bao nhiêu con thỏ thì phải có bấy nhiêu mũi tên. Tuy nhiên, chúng ta vừa muốn hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ an sinh xã hội, nhưng lại vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, việc phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ lại càng quan trọng, phải có thêm nhiều công cụ.
Về liều lượng của công cụ thì dư địa của chính sách tài khóa tốt hơn rất nhiều, từ nợ công, thâm hụt ngân sách, khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước với những điều kiện thuận lợi nên chính sách tiền tệ vẫn còn nhưng vẫn còn nhiều giới hạn. Tỷ lệ tín dụng/GDP đã rất cao, rủi ro hệ thống ngân hàng vẫn còn mặc dù có nhiều cải thiện, nguy cơ lạm phát, nợ xấu… Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách tập trung vào tài khóa thực sự có ý nghĩa.
Về bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Độ trễ trong của chính sách tài khóa thường dài hơn. Do vậy, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, rộng ra là của Đảng là rất quan trọng.
 |
Quang cảnh diễn đàn. |
Liên quan tới nguyên tắc này, TS Võ Trí Thành bày tỏ mong muốn, cần có những cuộc họp bất thường của Quốc hội, vì thế giới đang có rất nhiều bất định, bất ổn, rủi ro; đồng thời sự phối hợp phải được chuẩn bị rất nhanh.
“Rất tiếc là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã đặt ra hơn 1 năm rồi, đã có những bàn thảo cách đây 3 tháng và chúng ta đã rất nỗ lực nhưng vẫn chậm”, TS Võ Trí Thành nói.
Về độ trễ ngoài, TS Võ Trí Thành cho rằng, bình thường chính sách tiền tệ có độ trễ rất dài vì còn phải lan tỏa qua hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính. Độ trễ tài khóa như giải ngân vốn đầu tư công, chi phí cơ hội rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần có khung pháp lý để các ngân hàng thương mại có thể làm và dám làm. Ví dụ, hỗ trợ lãi suất phải tường minh, rõ ràng, trách nhiệm cũng phải rõ ràng.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, khi ban hành chính sách thì thị trường lập tức phản ứng ngay, cả thị trường tài chính, thị trường kinh tế, cả thu nhập, tiêu dùng của người dân. Vậy nên phải giám sát, theo dõi tình hình để điều chỉnh chính sách.
Bên cạnh giám sát, phối hợp chính sách kịp thời cũng cũng phải lưu ý, trong phản ứng của các thị trường thì phản ứng của thị trường tài chính là nhanh nhất, giá của tài sản tài chính chính là tỷ giá và lãi suất, lạm phát.
Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tài khóa tác động đến lạm phát thì ít, nhưng có thể tác động đến lãi suất, làm tăng lãi suất. Điều này cũng phù hợp khi sắp tới, nhiều ngân hàng của các nước trên thế giới có thể thắt chặt dần việc nới lỏng tiền tệ hoặc gói hỗ trợ.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG