Theo thống kê, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 toàn Đông Nam Á do tác động của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy và tạo đà cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, theo các chuyên gia dự báo sẽ đạt khoảng 39 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.
Cụ thể, quý 1-2022, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với hơn 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng tăng cao với 97% người tiêu dùng vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Trong đó, một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo...
 |
Quang cảnh diễn đàn. |
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, đón đầu xu hướng thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, nhất là những lĩnh vực chuyển đổi số, kinh doanh online, blockchain... nên diễn đàn tập trung các chủ đề như tín hiệu phục hồi toàn cầu, kết nối toàn cầu trở lại, lực đẩy và công nghệ tương lai của thương mại điện tử.
Bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc thương mại Lazada Việt Nam cho rằng, các chủ doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế thời cuộc từ các sàn thương mại điện tử, trang bị tư duy kinh doanh chuyển đổi số, kết nối và học hỏi từ cộng đồng kinh doanh, đồng thời các chủ doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng bán hàng. Đối với bài toán giá cả cạnh tranh, hoạch định chiến lược phát triển bền vững trên thương mại điện tử, trong hoạt động kinh doanh không chỉ cạnh tranh giá, mà là cuộc chiến xây dựng hệ thống kinh doanh, tư duy kinh doanh bền vững. Do đó, cần nắm bắt nhu cầu trải nghiệm người tiêu dùng: Giá, chính sách, cách tối ưu về giao nhận. Tuy nhiên các chiến lược này cần được áp dụng một cách hợp lý (tùy thời điểm, tùy mặt hàng..).
Tin, ảnh: DIỄM QUỲNH