Cùng dự có lãnh đạo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành; Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam; các tham tán Đại sứ quán Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan; Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ cùng các diễn giả là các chuyên gia trong và ngoài nước; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số…
 |
Phó chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu. |
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã trình bày quan điểm, phân tích về tổng quan kinh tế số ở Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn, giải pháp phát triển kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số ở Việt Nam, nhằm mục tiêu vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, chuẩn bị phục hồi sau đại dịch; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số; gợi ý chính sách cho Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả và bền vững.
Cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn mọi mặt đời sống chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn thế giới, nhưng các đại biểu cũng thống nhất trong đánh giá, Covid-19 đã tạo ra động lực rất lớn cho chuyển đổi số nói chung và kinh tế số nói riêng. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong 5 tháng cuối năm 2020, ngành thương mại điện tử đã đạt mức tăng trưởng cộng dồn của 5 năm trước đó.
Đánh giá về thực trạng của Việt Nam, các đại biểu cho rằng, mức độ bao phủ hạ tầng kết nối mạng internet của Việt Nam tương đối tốt nhưng chưa đồng bộ; băng thông và chất lượng đường truyền chưa tốt; kỹ năng công nghệ số còn yếu; mức độ chia sẻ dữ liệu để làm gia tăng giá trị dữ liệu chưa cao; hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số; bảo mật được thực hiện tốt nhưng bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được bảo đảm, thiếu quy định bảo vệ người dùng; nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số còn thiếu và yếu; kinh tế hệ sinh thái số ở Việt Nam dường như mới đang ở bước sơ khai, chưa phát triển mạnh như nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới...
 |
Quang cảnh tọa đàm. |
Đưa ra khuyến nghị để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số mạnh hơn, các diễn giả đề nghị Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào các yếu tố mang tính chất nền móng như con người, thể chế, công nghệ và dữ liệu; đầu tư vào những yếu tố mang tính đột phá như tăng khả năng kết nối; xây dựng khung chính sách pháp lý cập nhật, bắt kịp xu thế công nghệ của thế giới và khu vực; tăng cường năng lực bảo vệ an toàn, an ninh mạng, nhất là bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định, kết quả của tọa đàm sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tốt cao của Quốc hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, phát triển kinh tế số trong đó có tài chính số và ngân hàng số; là nguồn thông tin, tư liệu quý để các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đồng thời là kiến nghị với các giải pháp cụ thể, rõ rằng tới Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan...
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG