Kinh tế số tại Đại hội XIII - tầm nhìn xa, tương lai rộng mở
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.
Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, nhiều đại biểu có ý kiến tâm huyết, đề cập đến giải pháp quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập”. Trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam: Làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “Make in Viet Nam”.
 |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) tại triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (TP Hà Nội). Ảnh: qdnd.vn.
|
Trong khi đó, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo... như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.
Chung quan điểm đề cao vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định: Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với mục tiêu này thì việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới.
 |
Đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội đến thăm, làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: TTXVN. |
Theo ông Phạm Quang Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, công nghệ kỹ thuật số có thể coi là động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất cho Việt Nam trong nhiều thập niên tới, giúp chúng ta giải quyết bài toán năng suất lao động thấp, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do đó, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lựa chọn chuyển đổi số toàn diện, xây dựng hạ tầng số, phục vụ cho kinh tế số là một lựa chọn đúng đắn.
Còn ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Khu vực Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào chia sẻ: Trong quá khứ thì Việt Nam phần lớn dựa vào những công nghệ thấp, hay hoạt động sản xuất cần nhiều lao động, hoặc sử dụng rất nhiều tài nguyên, nhưng hiện giờ thì Chính phủ đã nhận ra bước tiếp theo để tạo ra sự thần kỳ trên chặng đường phát triển của Việt Nam sẽ tới từ đầu tư vào công nghệ cao.
Nhận định về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể khẳng định, việc biến một nền kinh tế thành một nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý sự vận hành của nền kinh tế qua công nghệ, qua trí tuệ nhân tạo là xu hướng phát triển tất yếu. Khi con người càng thông minh hơn thì càng cần sử dụng trí tuệ của mình thay vì sử dụng tất cả những năng lực về thể chất như hàng nghìn năm qua.
 |
Cầu Vĩnh Tuy là công trình được thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ảnh: Minh Sơn. |
“Chúng ta có một may mắn là trong thời gian vừa qua, năm 2020, khi mà dịch bệnh ập đến trên thế giới và tại Việt Nam thì dịch bệnh đó đưa xã hội loài người về một trạng thái bắt buộc chúng ta phải đi vào nền kinh tế kỹ thuật số. Chính dịch Covid-19 đã làm cho chúng ta tăng cường kỹ thuật số trong nền kinh tế. Mặc dù dịch bệnh là một hiện tượng tiêu cực nhưng nó lại thúc đẩy kinh tế số phát triển. Do đó việc phát triển kinh tế số hiện nay là xu hướng tất yếu của thời đại”, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.
Có thể thấy, phát triển kinh tế số, một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới. Đổi mới tư duy lý luận về kinh tế trong giai đoạn hiện nay chính là tập trung phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, đưa nền kinh tế Việt Nam thay đổi về chất và có bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển mới. Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế số và có phương hướng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030 là một lựa chọn sáng suốt và đúng đắn, là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn phát triển Việt Nam.
 |
Một góc thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Sơn. |
|
Clip Hà Nội tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn: Cổng giao tiếp Điện tử UBND TP Hà Nội.
|
Thủ đô Hà Nội và tầm nhìn kinh tế số, đổi mới sáng tạo
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định, những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Trong đó tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược… Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu..., kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
 |
Đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội tham quan nhà máy sản xuất thiết bị điện thoại thông minh VinSmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. |
Mới đây nhất, tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam lần đầu tiên, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định rằng, một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ là thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì đây là “chìa khóa thành công” và một trong những “lợi khí” quan trọng nhất trong chiến lược phát triển.
“Đổi mới sáng tạo là yếu tố nội sinh quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, chính công nghệ mới, cùng với nguồn nhân lực phù hợp, có khả năng sử dụng và kiểm soát công nghệ mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hà Nội sẽ “cấy gen thông minh”, từ chính quyền số đến kinh tế số
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông – cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội đã nhanh chóng bắt tay thực hiện quyết liệt bằng nhiều biện pháp để hiện thực hóa nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong giai đoạn 1 của tiến trình xây dựng thành phố thông minh (2018-2020), thành phố đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh.
Trong đề án Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định, thành phố thông minh có thể được hình dung như một “hệ thống lớn”, không thể xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn, do vậy, cần lấy việc “cấy gen thông minh” làm trọng tâm để xây dựng thành phố thông minh bền vững, đi từng bước nhỏ, nhưng khả thi và mang lại hiệu quả nhanh.
 |
Đường vành đai 1 có ý nghĩa chiến lược trong việc cải thiện hạ tầng giao thông cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thủ đô. Ảnh: Minh Sơn. |
“Thành phố tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn thành phố, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G) và thứ 5 (5G)”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chia sẻ thêm.
Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố để xây dựng thành phố thông minh, trong đó dành ưu tiên cho xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường…
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Hà Nội là thủ đô của cả nước, đây là nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học, rất nhiều những trí tuệ, không những là các chuyên gia, khoa học ở trong nước mà rất nhiều chuyên gia, khoa học đến từ nước ngoài về đây. Chúng ta phải sử dụng các tiềm năng đó để xây dựng một nền kinh tế của Hà Nội trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số và trở thành một trong những Thủ đô nổi tiếng nhất của Đông Nam Á.
Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, thành phố cần phát triển thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KHCN của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực; trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á. Ngoài ra cần huy động mọi nguồn lực, cơ chế, chính sách để nhanh chóng đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển mới.
 |
Đường Xã Đàn nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Sơn. |
 |
Sau 10 năm, tuyến đường đã có thêm hầm chui nút giao Trung Hòa nằm tại điểm đầu Đại lộ Thăng Long giúp các phương tiện dễ dàng lưu thông. Ảnh: Minh Sơn. |
Hiện nay, Hà Nội cũng là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ rất lớn với 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nhằm trên địa bàn. Cả nước có 5 khu công nghiệp công nghệ cao thì 2 khu ở Hà Nội. Ngoài ra, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm giáo sư, tiến sĩ) quy tụ ở Hà Nội. Đây là nguồn lực rất lớn để Hà Nội hiện thực hóa tầm nhìn, phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Sự tự tin, tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thêm một lần xác định, tới đây, Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp thu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII một cách sâu sắc và cụ thể hóa. Một trong những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của thành phố là tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược… Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 của thành phố là phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh.
|
Clip Sớm đưa nghị quyết của TP Hà Nội vào cuộc sống/ Nguồn: Cổng giao tiếp Điện tử UBND TP Hà Nội. |
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ