Chuyên gia kinh tế, tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu đã có buổi trao đổi với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về những mục tiêu được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.
Kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc
Phóng viên (PV): Theo ông những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 đã đầy đủ và sát với thực tiễn hay chưa?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trong 10 năm vừa qua (2011-2020), có thể khẳng định, Việt Nam đã có một sự phát triển vượt bậc. Mặc dù, trong năm 2020, GDP của chúng ta tăng trưởng được 2,91%, có lẽ là thấp nhất trong 10 năm vừa qua nhưng Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia giữ mức tăng trưởng dương trong khi toàn cầu tăng trưởng âm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dù phải chống chọi với làn sóng dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn duy trì được mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế có thể coi năm 2020 là năm đánh dấu một thành quả mà theo nhận định của tôi là thành quả tốt nhất trong 10 năm qua.
 |
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận xét về bước phát triển của kinh tế Việt Nam. |
10 năm qua Việt Nam đã đi một chặng đường dài và có sự phát triển rất đáng kể. Có thể khẳng định, giai đoạn 10 năm tới, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.
Phóng viên: Xin ông cho biết dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế, xã hội nước ta trong thời gian tới được đề cập trong báo cáo đã đầy đủ chưa, nội dung nào cần nhấn mạnh, bổ sung?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, cần đề cập sâu hơn đến ảnh hưởng của thế giới tới nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta biết rằng, thế giới hiện tại đang bị tác động bởi hai nguyên nhân lớn nhất là: Dịch bệnh và bối cảnh chính trị.
 |
Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2019 của Việt Nam. |
Nguyên nhân đầu tiên là dịch bệnh đang ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới toàn cầu. Số người chết, người nhiễm bệnh không ngừng tăng cao tại nhiều quốc gia. Việt Nam cũng là một trong những thành phần của nền kinh tế thế giới nên dù chúng ta kiểm soát dịch bệnh tốt thì trong những năm tới đây, nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn sẽ bị tác động bởi những diễn biến của dịch bệnh trên thế giới. Nguyên nhân thứ hai là bối cảnh chính trị với biến động của nhiều quốc gia trên thế giới cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế của Việt Nam.
Vì vậy, việc dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế xã hội nước ta trong thời gian tới là vô cùng cần thiết, dự báo đúng, sát với thực tiễn sẽ giúp tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam.
Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu
PV: Ông đánh giá thế nào về 5 quan điểm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong thời gian tới?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi hoàn toàn đồng ý với 5 quan điểm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, quan điểm là rất tốt nhưng cần quan tâm tới việc thực hiện những quan điểm đó như thế nào.
 |
Cơ cấu ngành kinh tế trong GDP ở nước ta đang có sự chuyển dịch theo hướng: Tăng tỷ trọng của khu vực II (công nghiệp và xây dựng) giảm tỷ trọng của khu vực I (nông-lâm-ngư nghiệp). |
Trong thời gian sắp tới, tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phải thực sự trở thành một nền kinh tế thị trường thực thụ, đẩy mạnh vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn Nhà nước; tạo sự cạnh tranh công bằng và đồng đều cho tất cả các thành phần kinh tế.
Thêm vào đó, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến nền tảng pháp lý, cải thiện luật pháp, tránh sự chồng chéo, gây trở ngại cho doanh nghiệp.
PV: Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, ông có thể cho biết quan điểm của mình về định hướng này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Có thể khẳng định, việc biến một nền kinh tế thành một nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý sự vận hành của nền kinh tế qua công nghệ, qua trí tuệ nhân tạo là xu hướng phát triển tất yếu. Khi con người càng thông minh hơn thì càng cần sử dụng trí tuệ của mình thay vì sử dụng tất cả những năng lực về thể chất như hàng nghìn năm qua. Chúng ta có một may mắn là trong thời gian vừa qua, năm 2020, khi mà dịch bệnh ập đến trên thế giới và tại Việt Nam thì dịch bệnh đó đưa xã hội loài người về một trạng thái bắt buộc chúng ta phải đi vào nền kinh tế kỹ thuật số. Có những ví dụ rất cụ thể: Cửa hàng trong thời gian dịch bệnh, họ phân phối đồ ăn, đặt hàng qua điện thoại và có người giao hàng thay vì khách hàng đến tiệm ăn và có những tiếp xúc xã hội mà từ đó có thể gây nên một môi trường lây nhiễm dịch bệnh. Chính dịch Covid-19 đã làm cho chúng ta tăng cường kỹ thuật số trong nền kinh tế. Mặc dù dịch bệnh là một hiện tượng tiêu cực nhưng nó lại thúc đẩy kinh tế số phát triển.
 |
|
Để trở thành một nền kinh tế số, theo tôi, trước hết, chúng ta phải có BIG DATA, một dữ liệu lớn là một hồ chứa tất cả dữ kiện của từng cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp, những dữ kiện của các cơ quan từ phương diện giáo dục đến sức khỏe, công ăn việc làm,... Thứ hai là chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý đất nước. Tất cả cơ quan ban, ngành, tổ chức Nhà nước phải có hệ thống công nghệ thông tin.
Trên chặng đường kỹ thuật số, Việt Nam có lẽ mới đi được ¼ đường, còn ¾ đường, chúng ta còn để ngỏ. Vì thế, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số để trong vòng 10 đến 20 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia ổn định, một quốc gia sử dụng kỹ thuật số.
Coi trọng việc "ươm mầm"
PV: Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam cần phải thực hiện những biện pháp gì, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng để thực hiện được những mục tiêu lớn đó, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề giáo dục. Con người là chủ thể của mọi biến đổi trong xã hội, vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào phát triển giáo dục theo hướng hiện đại, loại bỏ những chương trình không cần thiết, tập trung vào những chương trình có tính thực tiễn cao.
 |
Giáo dục Việt Nam cần thay đổi để tiệm cận với thế giới. Ảnh: Thu Hà. |
Ngoài việc chăm lo cho giáo dục, Việt Nam cần đẩy mạnh cải thiện hạ tầng cơ sở. Hệ thống hạ tầng cơ sở là nền tảng vật lý của xã hội. Hạ tầng cơ sở từ cầu cống, đường sá, các phương tiện di chuyển nếu không hoàn hảo sẽ không tạo nên điều kiện để phát triển kinh tế.
Việt Nam cũng cần quan tâm đến việc xây dựng hệ thống tiền tệ phù hợp, bổ sung cho nền kinh tế hàng hóa. Hệ thống ngân hàng Việt Nam dù đã có nhiều cải thiện nhưng còn rất chậm so với thế giới, đặt ra yêu cầu đổi mới cấp thiết trong những năm tới đây.
 |
Việt Nam đã có những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2020. |
PV: Phát triển kinh tế hạ tầng vùng kinh tế biển lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế xã hội được dự thảo đề cập. Để phát triển kinh tế biển, Việt Nam cần thực hiện như thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Có thể khẳng định, tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam là rất lớn. Chúng ta có hàng nghìn cây số bờ biển và theo nhận định của tôi, chúng ta mới chỉ khai thác được ¼ tiềm năng. Vì vậy, việc phát triển kinh tế biển là chủ trương hết sức đúng đắn. Trong thời gian tới, Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển cả ngư nghiệp lẫn hàng hải trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Chúng ta cũng nên xây dựng các Viện Hải dương học. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, tại các vùng biển họ đều có các hải học viện có vai trò nghiên cứu về biển, sinh vật biển hoặc nghiên cứu về phương thức khai thác cái tài nguyên của biển. Điều này rất cần thiết, vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần xây dựng các hải học viện để phục vụ cho phát triển kinh tế biển.
PV: Trân trọng cảm ơn ông
|
TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá về sự phát triển của kinh tế Việt Nam. |
BĂNG CHÂU-TRẦN YẾN (thực hiện)