Nền kinh tế số sẽ mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế hiệu quả hơn. Bởi lẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định rõ: Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân hơn 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm hơn 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. 

Ngày 14-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chỉ thị xác định, theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Như vậy, có thể thấy định hướng rõ ràng, và quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng nền kinh tế số để tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Bước vào nền kinh tế số, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải tích cực, chủ động, chớp lấy thời cơ và khắc phục những khó khăn, thách thức để vươn lên. Các doanh nghiệp nói chung không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ số. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Bên cạnh những cơ hội, thời cơ cho phát triển các doanh nghiệp ở Việt Nam trong nền kinh tế số thì những khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao; năng lực tổ chức, triển khai công nghệ số của doanh nghiệp là những nút thắt cản trở doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi phương thức sản xuất mới, bao gồm cả khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Một số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, việc nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, thiếu chiến lược phát triển doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Cùng với đó là những khó khăn về thị trường; khung khổ, môi trường pháp lý tạo điều kiện, môi trường cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin; chi phí dịch vụ, kho vận cao; tâm lý, tập quán và thói quen tiêu dùng của nhân dân và khả năng của khách hàng; bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin...

Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đã tranh thủ thời cơ, đẩy nhanh tốc độ phát triển trong lĩnh vực này, tiêu biểu như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel). Hiện nay, Viettel là nhà khai thác viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ số, doanh nghiệp phát triển theo mô hình thông minh và tạo ra những sản phẩm, giải pháp để tư vấn, hỗ trợ, xây dựng cho các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, nhất là việc hợp tác trong xây dựng các khu công nghiệp thông minh tại Việt Nam cùng những hạ tầng viễn thông khác. Theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Viettel: “Viettel nhận sứ mệnh tiên phong thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kiến tạo xã hội số tại Việt Nam”. Viettel đang tăng tốc chuyển đổi số để trở thành một doanh nghiệp số, được vận hành trên nền tảng số áp dụng những công cụ như Data lake, Dashboard, ERP, Data Analytic vào từng hành vi công việc và quản trị công việc của từng người, từng bộ phận và cả tập đoàn. Cùng với Viettel, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đã từng bước chuyển đổi mô hình doanh nghiệp theo hướng thông minh.

Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chủ động tham gia, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thông minh, phát triển nền kinh tế số cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong phát triển nền kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và hoạt động trong môi trường kinh tế số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân hưởng ứng và đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp thông minh ở Việt Nam. Đặc biệt, nhận thức của người dân về vai trò của nền kinh tế số trong đời sống kinh tế-xã hội và ý thức trong sử dụng các dịch vụ điện tử hướng đến một nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Cần xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi, phát triển trong nền kinh tế số. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự chuyển đổi sang thành các doanh nghiệp thông minh, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, tập trung ưu tiên 4 loại doanh nghiệp công nghệ số phát triển theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Cùng với đó, phải đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ kinh tế-xã hội đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế số. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử với hạ tầng công nghệ thông minh. Hình thành và vận hành một chính quyền điện tử đủ mạnh, thông suốt, thủ tục hành chính gọn nhẹ, nhanh chóng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất. Xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và chính quyền các cấp, tạo điều kiện để mọi công dân, nhất là doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước.

Trong công cuộc chuyển đổi số, vai trò chủ động của doanh nghiệp là quan trọng hàng đầu. Vì vậy, cần hỗ trợ và phát huy nội lực của doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp trong nền kinh tế số phải toàn diện, cả về nhận thức, về con người và công nghệ, tổ chức quản lý... Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm từ khảo sát, đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch sản xuất thông minh với các chỉ số cụ thể; kế hoạch huy động, khai thác, bố trí, sử dụng các nguồn lực hợp lý cho chuyển đổi sang sản xuất số hóa. Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp với một cơ cấu vận hành hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo và chi phí rẻ. Nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức ở trong và ngoài nước để kết nối, chia sẻ về các lĩnh vực liên quan đến phát triển doanh nghiệp số. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối hệ thống sản xuất, kết nối sản phẩm với chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu theo chuẩn chung của quốc gia, quốc tế.

Đại tá, TS HOÀNG VĂN PHAI, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự