Thông tin tại tọa đàm cho thấy, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đến nay, cả nước đã xây dựng được 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm An toàn thực phẩm tại 62/63 tỉnh, thành phố (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương). Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, quá trình thí điểm tới nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm còn đặt ra những bài toán khác nhau về phát huy nguồn lực và duy trì lâu dài và phát huy hiệu quả mô hình chợ an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc.

leftcenterrightdel

Quang cảnh tọa đàm trực tuyến: "Giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm".

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm ở Việt Nam như mô hình vẫn còn chưa hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là các chợ ở khu vực nông thôn, khi mà người dân đến mua sắm còn chưa đông.

Cùng với đó, vấn đề nguồn hàng từ các chợ, phần lớn tiểu thương lấy từ chợ đầu mối hoặc là từ những vùng sản xuất tự cung, tự cấp của các địa phương, công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với nhóm hàng này còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo phân công của Chính phủ thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối.

“Vì vậy, chúng tôi cũng cần phải có những gắn bó chặt chẽ hơn nữa để làm sao nguồn hàng từ các chợ đầu mối về với các chợ dân sinh là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, bà Lê Việt Nga cho hay.

Ở góc độ địa phương, ông Đinh Lâm Sáng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, do địa hình nên giao thương tại tỉnh có những khó khăn nhất định. Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn, bởi tập quán tiêu dùng của người dân chưa quan tâm đúng mức đến an toàn thực phẩm. Một số chợ cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, thiếu kinh phí để bảo dưỡng…

Việc đề ra chính sách xây dựng mô hình hình chợ an toàn thực phẩm là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên, để chính sách gắn với thực tiễn của mỗi địa phương, phát huy được sự linh hoạt trong triển khai, từ đó nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm, đòi hỏi vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các bên. Cùng với đó, những khó khăn của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc huy động nguồn lực để phát triển, duy trì chợ an toàn thực phẩm cần sớm được cơ quan chức năng có những tháo gỡ kịp thời.

Tin, ảnh: VŨ DUNG