Theo ông Vũ Tấn Phương, Văn phòng Chứng chỉ rừng bền vững (VFCO), hiện tổng diện tích rừng của nước ta khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 42%, trong đó rừng đặc dụng 2,2 triệu ha, rừng phòng hộ 4,6 triệu ha, rừng sản xuất 7,8 triệu ha (chiếm 53% tổng diện tích rừng). Hiện 60% tổng diện tích rừng do nhà nước trực tiếp quản lý, 40% diện tích rừng nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý. Ước tính trung bình mỗi năm rừng hấp thụ trung bình khoảng 69,8 triệu tấn carbon (CO2), rừng tự nhiên và rừng trồng lưu giữ được 612 triệu tấn các-bon.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định giảm phát thải ở tất cả các lĩnh vực và phát triển thị trường các-bon trong nước. Tại COP 26, Việt Nam đã cam kết về mục tiêu phấn đấu đạt giảm phát thải khí carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội sáng 20-12 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Quang Bảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập, Việt Nam với những cam kết chính trị và hợp tác quốc tế để giải quyết 1 trong 5 thách thức lớn nhất của toàn cầu, đó là nạn mất rừng và suy thoái rừng. Cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Na Uy, Việt Nam đã tham gia “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về rừng và sử dụng đất” tại COP26 và “Đối tác của các nhà lãnh đạo về rừng và khí hậu” tại COP27. Tuy nhiên, thách thức, khó khăn lớn nhất là việc huy động được nguồn lực tài chính ổn định, bền vững để thực hiện các cam kết tại COP26 và COP27. Thực tế, lâm nghiệp là ngành không những có vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp để thực hiện các cam kết mà còn là nguồn tài chính rất có tiềm năng thông qua thương mại carbon rừng.

Là một quốc gia có tỷ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới, ngành lâm nghiệp Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước, đặc biệt là khi hơn 25 triệu dân Việt Nam đang sống phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi nguồn tài chính thiếu ổn định và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của ngành. Hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn tài chính bền vững cho ngành lâm nghiệp luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM