Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tổng nguồn vốn huy động để thực hiện đầu tư, phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 khoảng 50.231 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 8.746 tỷ đồng; vốn ODA và các nguồn khác 41.485 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay Nhà nước đã cấp 38.661 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 91.894 hộ nghèo tham gia bảo vệ 1,320 triệu ha rừng; trồng mới, chăm sóc 21.665 ha rừng tại 5 tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị.

Nhờ chính sách đầu tư về lâm nghiệp thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, ngành lâm nghiệp đã nâng độ che phủ rừng từ 40,84% lên 41,89 năm 2019, năm 2020 phấn đấu độ che phủ rừng sẽ đạt 42%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân khoảng 5,73%/năm, năm 2020 dự kiến tăng 5,5%. Nâng tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 11,2 tỷ USD năm 2019, dự kiến năm 2020 đạt 12 tỷ USD. Về trồng rừng tập trung được 1,133 triệu ha, bình quân 227.000 ha/năm; 284,2 triệu cây phân tán, trung bình 57 triệu cây/năm, khoanh nuôi tái sinh bình quân 287.000 ha/năm…

Tuy nhiên, đầu tư trong lâm nghiệp vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, như mức đầu tư trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên còn thấp. Thực tế, nhiều diện tích rừng tự nhiên giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được quản lý, bảo vệ tốt nhưng lại thiếu chính sách cho các đối tượng này hưởng lợi hoặc mức hưởng lợi, đặc biệt tiền khoán cho công tác bảo vệ rừng hằng năm vẫn còn thấp...

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM