Trình bày đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành, thông tin: Đại đa số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù loại hình doanh nghiệp này chiếm phần lớn tỉ trọng các doanh nghiệp, nhưng lại hạn chế về nguồn lực, do đó thường có xu hướng tập trung nguồn lực tài chính và con người vào đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý, hoặc khả năng đối phó rủi ro pháp lý còn hạn chế, không được chú trọng quan tâm.
    |
 |
TS Trần Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. |
Từ thực trạng nêu trên và trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, ngày 28-5-2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Nhiều bộ, ngành đã sớm ban hành các kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý, nhằm thúc đẩy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội... 63/63 tỉnh, thành phố cũng ban hành chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở địa phương.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có nơi, có địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cả quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai thực hiện như quy định của pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là kinh phí dành cho công tác này và nhân sự thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Theo đó, trong thời gian tới, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bảo đảm 100% doanh nghiệp được hỗ trợ; vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.
    |
 |
Bà Lê Thị Xuân Nga, Phó giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tham luận tại hội thảo. |
Cần xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và các địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho doanh nghiệp.
    |
 |
Ông Cao Đăng Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) phát biểu tại hội thảo. |
Tham luận tại hội thảo, bà Lê Thị Xuân Nga, Phó giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đề xuất, cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường các lớp tập huấn kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho đội ngũ cán bộ pháp chế các sở, ngành liên quan....
Trên cơ sở các tham luận, Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp, bổ sung, hoàn chỉnh “Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, sớm trình Chính phủ trong thời gian tới.
Tin, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG