Hội thảo trên có nhiều báo cáo, kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau như: Pháp luật phòng, chống tham nhũng; pháp luật thanh tra; pháp luật phòng, chống rửa tiền; pháp luật tố tụng dân sự, thi hành án dân sự; pháp luật hình sự, tố tụng hình sự.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh cho rằng: “Tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Mỗi năm, khoảng 1.000 tỉ USD bị dùng vào chi trả hối lộ, trong khi khoảng 2,6 nghìn tỉ USD bị đánh cắp vì tham nhũng.

Một số đại biểu đóng góp ý kiến, tham luận tại hội thảo qua hình thức trực tuyến.

Ông Francesco Checchi, cố vấn khu vực về phòng, chống tham nhũng, đại diện UNODC nhấn mạnh: Trước hết, kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới đã chỉ ra thu hồi tài sản không qua kết tội là một công cụ cực kỳ quan trọng nhằm thu hồi được tài sản và phương tiện phạm tội tham nhũng, nhất là trong các trường hợp tài sản tham nhũng bị chuyển ra nước ngoài, người có sai phạm đã mất, đã tẩu thoát hoặc được miễn trừ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, các biện pháp nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, chẳng hạn các tòa án độc lập, các thủ tục tư pháp mạnh mẽ bảo đảm quyền sở hữu của cá nhân, là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả biện pháp thu hồi tài sản không qua kết tội. Thu hồi tài sản không qua kết tội hoàn toàn có thể phù hợp với tính thượng tôn pháp luật nếu một số biện pháp đảm bảo được thực hiện. Cần cân bằng giữa quyền con người và các cam kết chống tham nhũng. 

Cuối cùng, thu hồi tài sản không qua kết tội sẽ không thể thực hiện được nếu không đẩy mạnh các chính sách pháp luật hiện hành về tịch thu tài sản, tăng cường phối hợp, điều phối giữa các cơ quan hữu quan và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Tin, ảnh: ĐÌNH HÙNG