Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Năm 2020, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là những hệ lụy nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Bên cạnh những nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam vẫn tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, vào ngày 15-11-2020, 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã ký kết Hiệp định RCEP.

 Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sớm đi vào thực hiện và cải thiện tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Dù vậy, thực tiễn nhập siêu của Việt Nam với khu vực RCEP trong những năm qua và hệ lụy từ gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 năm 2020 cũng khiến một số chuyên gia Việt Nam quan ngại về lợi ích mà Việt Nam có thể thu được từ RCEP, đặc biệt là ở một khía cạnh mới hơn là mức độ tự chủ của nền kinh tế. Do vậy, hội thảo nhằm làm rõ các vấn đề này. Đồng thời, tại hội thảo CIEM cũng công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam” (Báo cáo).

Các ý kiến tại hội thảo cũng đưa ra cách tiếp cận để thực hiện hiệu quả RCEP gắn với bảo đảm mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, việc thực hiện hiệu quả RCEP gắn với 5 nhóm giải pháp chính như: Tiếp tục thực hiện các cải cách đối với nền tảng kinh tế vi mô nói chung, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, các thị trường nhân tố sản xuất; hoàn thiện chính sách thương mại, nhất quán với chính sách đầu tư, qua đó góp phần xử lý hiệu quả, hài hòa hơn vấn đề nhập siêu và nhập khẩu hàng trung gian, đồng thời phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị khu vực RCEP. Cùng với đó xử lý các điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài ở trình độ phù hợp; đặc biệt là phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19.

Tin, ảnh: VŨ DUNG