QĐND Online – Đó là câu trả lời Bộ GD-ĐT trong buổi họp báo chiều nay (4-7) trước thắc mắc phải chăng có sự nới lỏng trong công tác coi thi khi số thí sinh (TS) vi phạm chủ yếu được phát hiện tại các cụm thi do trường đại học chủ trì, còn những cụm thi tỉnh lại rất ít.

Buổi họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi, kỳ thi THPT quốc gia 2015 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì đã thu hút sự quan tâm của nhiều phóng viên khi kỳ thi đã xảy ra khá nhiều vấn đề “nóng”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì buổi họp báo.

Băn khoăn về tính nghiêm minh

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có 1.005.654 TS đăng ký, trong đó: 28% TS đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và 72% TS sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ (so với các năm trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ và khoảng 20%  TS không dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ); được tổ chức tại 38 cụm thi quốc gia do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tỉnh do các địa phương chủ trì.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết buổi thi thứ 8, tổng số TS bị kỷ luật là 770, trong đó khiển trách: 49; cảnh cáo: 27, đình chỉ: 694.

Tuy nhiên, số thí sinh bị kỷ luật đa số nằm ở cụm thi do trường đại học chủ trì khiến nhiều người băn khoăn phải chăng cụm thi đại học giám sát chặt chẽ hơn. Lý giải về hiện tượng này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng với cách thức tổ chức cụm thi như năm nay, các cụm thi tỉnh do sở chủ trì đều có cán bộ giảng viên của các trường đại học. Bên cạnh đó, công tác thanh tra thi rải đều ở các loại hình cụm thi nên không có sự phân biệt giữa 2 loại cụm này. Tỷ lệ thí sinh vi phạm ở cụm đại học cao hơn là điều dễ hiểu bởi tính cạnh tranh cao hơn và kết quả không chỉ lấy để xét tốt nghiệp như ở cụm thi địa phương mà là cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đã có gian lận công nghệ cao

Ngày cuối cùng của kỳ thi trở nên “nóng” hơn khi xuất hiện các đối tượng tham gia giải đề để đọc vào trong phòng thi môn Lịch sử. Vụ việc được phát hiện và đang được công an tiếp tục điều tra.

Làm rõ thông tin này, ông Mai Văn Trinh khẳng định sau khi nhận thông tin từ điểm thi Trường CĐ Sư phạm trung ương thuộc cụm thi do Học viện kỹ thuật Quân sự chủ trì xuất hiện gian lận công nghệ cao, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tăng cường công tác thanh tra ở khu vực đó để phát hiện xem có sự việc gì khác không. Hiện nay chưa nhận được văn bản chính thức từ cơ quan điều tra.  Bộ cũng đang bám sát thông tin, sau khi có kết luận sẽ xử lý theo quy chế, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý hình sự. 

Liên quan đến thông tin lộ đề thi môn Ngoại ngữ trên Facebook, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng khẳng định: Ngay sau khi biết thông tin, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp thực hiện điều tra. Hiện nay, vẫn đang trong quá trình điều tra để đến kết luận cuối. Thông tin ban đầu từ phía công an, đây là tài khoản Facebook được thành lập năm 2013, chỉ có 4 lần đăng thông tin. Lần gần nhất là ngày 17-1-2015. Việc đăng đề thi lên tài khoản này là điều khó xảy ra trên thực tế, Facebook này đã bị hack.

Tương tự, 22 giờ ngày 3-7, trên 1 tài khoản Facebook có đề thi Lịch sử, trong khi đó sáng 4-7 mới thi môn này. Nhưng đây là thông tin không chính xác. Bộ GD-ĐT đã phản ứng rất kịp thời để làm rõ việc lạm dụng công nghệ làm rối kỳ thi. "Chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi khi có kết quả điều tra", ông Trinh thông tin thêm.

Bên cạnh đó, một số sai sót về nghiệp vụ như giám thị ký nhầm vị trí khiến thí sinh phải dự thi lại môn Toán bằng đề dự phòng; không giám sát thí sinh dẫn đến thí sinh cầm bài thi chạy ra ngoài khi hết giờ…

Trước phản ánh của thí sinh ở Thái Bình và Thanh Hóa về việc giám thị phát đề nhầm lẫn khiến thí sinh “thiệt” 15 phút, ông Mai Văn Trinh cho biết: Bộ GD-ĐT đã nhận được văn bản cụ thể của 2 tỉnh trên. Theo tờ trình, 15 phút đó là thời gian dành cho thí sinh kiểm tra đề xem có chính xác. Sau khi phát hiện sai sót, giám thị đã đổi đề trước 14 giờ 28 phút. Như vậy theo quy chế, 2 phút nữa mới đến giờ làm bài.

Thí sinh đã kết thúc kỳ thi với tâm trạng thoải mái.

Đề thi có thể gây khó khăn cho trường tuyển sinh

Cũng có nhiều người cho rằng đề thi tương đối khó với tốt nghiệp, song hơi dễ với đại học. Trả lời câu hỏi liệu đề thi năm nay rơi vào tình trạng cao không tới, thấp không thông? Với mức điểm tập trung ở quãng 5-7 điểm như nhiều người dự đoán có gây khó khăn cho các trường đại học trong việc xét tuyển không, ông Mai Văn Trinh khẳng định với hình thức tuyển sinh như hiện nay, thì việc tuyển sinh sẽ cạnh tranh bằng chất liệu và thương hiệu nhà trường. Các trường đại học đang thực hiện tự chủ và phân tầng trên cơ sở chất lượng.

“Kỳ thi năm nay phải ứng mục tiêu kép và đây là năm đầu tiên chúng ta làm, tôi mong chúng ta ghi nhận thành công bước đầu của ban đề thi, còn kết quả cuối cùng sẽ đánh giá qua phổ điểm”, ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

Ông Mai Văn Trinh cũng lý giải kỳ thi năm rơi vào thời điểm nắng nóng bất thường khiến thí sinh rất vất vả trong thi. Ban đầu, Bộ dự kiến tổ chức thi vào ngày 15-6. Tuy nhiên, các trường đại học phản ánh thời gian đó các trường chưa kết thúc năm học, sinh viên chưa thi, ký túc xá chưa giải phóng. Trong khi đó, hơn 70% thí sinh thi ở cụm đại học. Vì vậy, nếu tổ chức vào thời điểm này các trường đại học sẽ rất khó khăn vì giảng đường chưa được giải phóng. Hơn nữa, thí sinh cũng phản ánh nếu tổ chức thi giữa tháng 6 các em sẽ bị hụt mất 2 tuần ôn thi so với năm trước. Sau kỳ thi này, Bộ và các trường sẽ phải họp bàn nhiều việc để rút kinh nghiệm.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Luật Giáo dục quy định phải có kì thi tốt nghiệp nên không bàn đến chuyện bỏ kì thi tốt nghiệp THPT. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định và cho rằng, kì thi nào cũng có giám thị, thí sinh vi phạm quy chế, mình cố gắng tiến tới khắc phục để không còn hiện tượng này trong những năm tới. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay có tác dụng phân luồng học sinh. Nói chung kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt được những yêu cầu đặt ra.

Thi cử, kiểm tra đánh giá được thực hiện đồng bộ với đổi mới nội dung dạy học, đánh giá. Chúng ta đang hướng tới giảm tải, phát huy sự chủ động tích cực của học sinh, khắc phục tiêu cực, đánh giá đúng chất lượng dạy và học. Kỳ thi này là lần thay đổi lớn, căn bản. Ưu điểm có, hạn chế có, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh cho tốt hơn. Thay đổi lớn như vậy mà chúng ta đã làm được thì những việc khác cũng sẽ làm được, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Bài, ảnh: THU HÀ