Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các cơ chế, chính sách về trọng dụng và đãi ngộ trí thức kiều bào vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục.

Nhiều trí thức kiều bào trở về góp sức xây dựng đất nước

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó 500-600 nghìn người có trình độ đại học trở lên, chủ yếu đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Nga. Số lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại các nước Đông Nam Á và các nước đang phát triển ít hơn nhưng có xu hướng gia tăng. Cùng với đó là đội ngũ gần 200.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại các quốc gia.

leftcenterrightdel
 Nhiều trí thức học tập ở nước ngoài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu về làm việc cho Tập đoàn Vingroup. Ảnh: QUANG VŨ

Ông Từ Thành Huế, Trưởng ban Đối ngoại và Kiều bào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá: Trí thức kiều bào ngày càng tham gia trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tham gia vào những vấn đề lớn, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về Cách mạng công nghiệp 4.0... Hiện có nhiều chuyên gia người Việt ở nước ngoài đang cộng tác, cố vấn, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương; trong đó có 4 chuyên gia trí thức người Việt ở nước ngoài được lựa chọn tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và đã có những đóng góp ý nghĩa, như: Đưa ra các khuyến nghị về các lĩnh vực kinh tế-xã hội, động lực tăng trưởng, tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước, khai thác tài nguyên...

Có thể kể đến một số trí thức Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, như: GS Trần Thanh Vân (kiều bào Việt Nam tại Pháp), Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam. Ông về nước thành lập Quỹ Học bổng Vallet dành cho các học sinh trung học, sinh viên xuất sắc và các em ở những Làng trẻ em SOS Việt Nam. Ông cũng là người sáng lập Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn (Bình Định) để ươm mầm, nuôi dưỡng thế hệ tài năng trẻ của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Hay như TS Nguyễn Thanh Mỹ (kiều bào Việt Nam tại Canada), thành lập Tập đoàn Mỹ Lan tại Trà Vinh-công ty công nghệ cao, ứng dụng thành công nhiều sáng chế, đóng góp cho lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng trăm người lao động tại địa phương. TS Bùi Hải Hưng (kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ), nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo của Google với gần 100 công trình nghiên cứu khoa học và 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá cao tại Hoa Kỳ, trở về nước và đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Nghiên cứu VinAI Research và GS Vũ Hà Văn (kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ) đảm nhiệm vị trí Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata thuộc Tập đoàn Vingroup...

Chính sách vẫn thiên về trọng đãi hơn trọng dụng

Theo ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, Khoa học và Công nghệ (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài), bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng trí thức còn tồn tại những hạn chế. Cụ thể là các chính sách đã được ban hành vẫn thiên về trọng đãi hơn trọng dụng, tức là chế độ đãi ngộ đã tương đối tốt nhưng cách sử dụng nhân tài thế nào cho hiệu quả thì nhiều nơi chưa chú trọng. Do đó, nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc ổn định nhưng lại phải trở ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về trí thức kiều bào hiện còn thiếu để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác chung. Các bộ, ngành, địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả công tác thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, môi trường làm việc chưa phù hợp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và môi trường học thuật chuyên nghiệp trong nước còn hạn chế; khác biệt về thể chế; rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn sâu giữa trí thức kiều bào và các đồng nghiệp trong nước...

Đặt hàng nghiên cứu cho trí thức kiều bào

TP Hồ Chí Minh là địa phương triển khai tốt việc thu hút trí thức kiều bào. GS, TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn tại TP Hồ Chí Minh và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao, các bệnh viện... Hiện nay, có một mạng lưới kiều bào trẻ gồm các chuyên gia, trí thức đang cộng tác thường xuyên với các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh, họ đầu tư nhiều dự án lớn, tiêu biểu như Dự án Nhà máy in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam.

Theo GS, TS Nguyễn Văn Phước, đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài có nhiều phương thức đóng góp cho đất nước, không nhất thiết phải trở về nước hay làm việc ở trong nước mới cống hiến được cho đất nước. Hiện nay, có nhiều trí thức trẻ người Việt Nam sinh sống và làm việc ở các quốc gia, trên những cương vị công tác khác nhau nhưng vẫn cống hiến rất hiệu quả cho đất nước. Tại các quốc gia phát triển, các nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt Nam có môi trường nghiên cứu khoa học, có điều kiện sáng tạo phát triển tốt, đặc biệt là ở những lĩnh vực mũi nhọn như: Trí tuệ nhân tạo, blockchain, chuyển đổi số, kinh tế số... Họ rất tâm huyết, muốn góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. “Do vậy, chúng ta có thể đưa ra những đặt hàng nghiên cứu cụ thể để họ biết cần phải làm gì, có thể đóng góp qua hình thức trực tuyến là chủ yếu. Cần giảm bớt các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trí thức kiều bào có cơ hội góp sức phát triển đất nước”, GS, TS Nguyễn Văn Phước kiến nghị.

Một số ý kiến đề xuất, thời gian tới cần đơn giản hóa các thủ tục về xuất cảnh, nhập cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho trí thức Việt Nam ở nước ngoài hồi hương. Ông Từ Thành Huế cho rằng, Nhà nước tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài và xây dựng đầu mối chuyên trách trong nước có vai trò kết nối giữa các nhu cầu và các nguồn nhân lực. Đầu mối đó có chức năng liên kết hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong công tác vận động, thu hút trí thức, đồng thời tập hợp các thông tin, dữ liệu về trí thức Việt Nam ở nước ngoài và thông tin về nhu cầu hợp tác, đóng góp của trong nước, khớp nối các thông tin này và cụ thể hóa thành các chương trình hợp tác của trí thức Việt Nam ở nước ngoài với các cơ sở trong nước...

 LA DUY