Với mục tiêu này, mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước đều nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau theo từng giai đoạn và phù hợp đặc điểm, khả năng thực tế của địa phương. Tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố xác định nhiệm vụ xây dựng NTM phải hướng tới mục tiêu nông thôn hiện đại, người dân các huyện ngoại thành phải được thụ hưởng thành quả xây dựng NTM, có cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

Bởi vậy, chương trình xây dựng NTM ở TP Hồ Chí Minh chú trọng hình thành các không gian, thiết chế cộng đồng dân cư nông thôn, gắn với không gian sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; trong đó, nâng cao năng lực và chất lượng sống cư dân nông thôn là đặc biệt quan trọng. Thành phố không chỉ tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng, mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thời gian qua, thành phố huy động mọi nguồn lực cho xây dựng NTM, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hướng đến nền nông nghiệp đô thị xanh, sinh thái, tuần hoàn. Mục tiêu cao nhất chính là cải thiện chất lượng sống của người dân vùng nông thôn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Từ đặc điểm dân cư, địa lý và tiềm lực, khả năng kinh tế..., mỗi huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh xác định mục tiêu xây dựng NTM khác nhau. Trong đó, huyện Củ Chi chủ trương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản mang dấu ấn Củ Chi. Huyện Hóc Môn xây dựng NTM gắn với đô thị hóa trên địa bàn huyện, đầu tư xây dựng 194 công trình hạ tầng; chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Bình Chánh sau hơn 10 năm xây dựng NTM đã có hệ thống giao thông khá đồng bộ; huyện được đầu tư nâng cấp, làm mới 709 công trình giao thông nông thôn; 269 công trình thủy lợi; đầu tư đưa vào sử dụng 85 điểm trường, 137 công trình cơ sở vật chất văn hóa... Thu nhập bình quân của người dân Bình Chánh hiện nay đạt hơn 70 triệu đồng/năm, tăng 4 lần so với thời điểm khởi đầu xây dựng đề án NTM. Huyện đang tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu...

Những kết quả và mục tiêu phấn đấu của các huyện ngoại thành cho thấy, chương trình xây dựng NTM tại TP Hồ Chí Minh có chiến lược rõ ràng, biện pháp khoa học và hướng đi đúng đắn. Nhờ đó, không chỉ diện mạo nông thôn khởi sắc, ngày càng hiện đại, khang trang mà quan trọng hơn là người dân nông thôn được hưởng lợi từ chương trình, được nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần.

THANH HUYỀN