Trao đổi với phóng viên, GS, TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, những nghiên cứu khoa học (NCKH) về nông nghiệp luôn lấy người nông dân làm trung tâm, hỗ trợ nông dân tiếp cận với các tiến bộ mới trong khoa học nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao

GS, TS Nguyễn Thị Lan. 

Phóng viên (PV): Thưa bà, thời gian qua học viện đã có những NCKH nào để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho ngành nông nghiệp Việt Nam?

GS, TS Nguyễn Thị Lan: Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trường đại học trọng điểm của quốc gia, rất chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo nghiên cứu tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới, có tính ứng dụng cao, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp-phát triển nông thôn, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao. Khi trang thiết bị và con người đã tốt thì sẽ tạo ra sản phẩm nghiên cứu tốt.

Các nghiên cứu của học viện hướng tới những sản phẩm có tính chất cơ bản, sản phẩm công nghệ nguồn, được công bố quốc tế. Bên cạnh đó, học viện cũng có những nghiên cứu phục vụ các địa phương, người dân ứng dụng; coi trọng các sản phẩm có tiến bộ kỹ thuật, các quy trình có thể chuyển giao trong thực tiễn, các sản phẩm khoa học có thể phục vụ trong đời sống xã hội.

Với hướng phát triển như vậy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập 36 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 nhóm nghiên cứu xuất sắc và 4 nhóm nghiên cứu tinh hoa để tăng cường các nghiên cứu chuyên sâu, mang tính đột phá tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao và tăng cường công bố quốc tế.

Các nhóm nghiên cứu sẽ bám sát vào thực tiễn, các ngành hàng chủ lực; dựa vào Chiến lược phát triển khoa học, công  nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, chiến lược ngành nông nghiệp để xây dựng chiến lược khoa học công nghệ riêng của học viện.

Học viện cũng đang chú trọng kết hợp với doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực... Học viện đã kết hợp tới Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam để đưa công nghệ số vào nông nghiệp, đồng thời có sự quản lý minh bạch trong các sản phẩm khoa học công nghệ, từ đó có thể cạnh tranh quốc tế.

Giới thiệu các sản phẩm khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: AN AN 

Hỗ trợ nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học

PV: Hiệu quả từ các sản phẩm NCKH của học viện ra sao, thưa bà?

GS, TS Nguyễn Thị Lan: Những NCKH của học viện luôn lấy người nông dân làm trung tâm và hỗ trợ nông dân tiếp cận với các tiến bộ mới. Ví dụ, Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã tập trung phát triển các sản phẩm liên quan đến hỗ trợ bà con trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Các sản phẩm của viện hướng đến hỗ trợ nông dân sản xuất chăn nuôi phát triển tốt, đồng thời làm giảm phát thải trong chăn nuôi. Những sản phẩm sẽ tập trung vào xử lý chất thải, môi trường trong chăn nuôi. Hiện nay, Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh đang đưa các sản phẩm vào ứng dụng thực tế tại hai trang trại ở tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội.

Bà con được hướng dẫn cách sử dụng và các tính năng của sản phẩm. Đến nay, bà con đã nhận thấy các sản phẩm nghiên cứu của viện mang lại kết quả tốt trong chăn nuôi. Còn Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu hiện là nơi nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ, phát triển nguồn gen nấm ăn, nấm dược liệu; nuôi trồng, chuyển giao công nghệ nuôi trồng các loài nấm ăn và nấm dược liệu.

Đến thời điểm hiện tại, viện đã bảo tồn và lưu giữ hơn 200 chủng, giống nấm ăn, nấm dược liệu quý của Việt Nam và trên thế giới. Trong những năm qua, viện đã nghiên cứu chọn tạo và tiến hành công nhận giống và quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng nhiều loại nấm ăn, nấm dược liệu mới có giá trị cao như: Nấm linh chi, vân chi, đầu khỉ, đông trùng hạ thảo, nấm sò...

Còn Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu, mặc dù mới được thành lập năm 2021 nhưng đã bắt đầu tập trung nghiên cứu và phát triển các giống cây dược liệu bản địa (lan thạch hộc, lan kim tuyến nhung, hoa tiên, thảo quả, tam thất) cũng như nhập một số giống tiềm năng (sâm Ấn Độ, đàn hương Ấn Độ, đương quy Trung Quốc, đẳng sâm Trung Quốc)...

Ngoài ra viện cũng đã sản xuất các giống như lan kim tuyến, lan thạch hộc, đàn hương Ấn Độ cho các đơn vị, người dân làm giống và tạo vùng nguyên liệu...

PV: Thưa bà, hiện nay nhiều sinh viên có những ý tưởng sáng tạo trong NCKH. Học viện có giải pháp gì để khuyến khích đam mê NCKH của sinh viên và ứng dụng những sản phẩm đó vào cuộc sống?

GS, TS Nguyễn Thị Lan: Nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng, là một trụ đỡ trong phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta có thể thấy, hiện nay nhiều doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu cao đối với nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp. Là “cái nôi” đào tạo kỹ sư nông nghiệp, nhiều năm qua, học viện luôn có những giải thưởng cho sinh viên NCKH.

Nhiều ý tưởng của sinh viên đã kêu gọi được các nguồn đầu tư, tài trợ và phát triển, đưa vào các công ty, doanh nghiệp. Nhiều cựu sinh viên của học viện đang đứng đầu các doanh nghiệp về chăn nuôi, thú y, nông học, phân bón...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!     

DIỆP CHÂU (thực hiện)