Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp  (DN) và các tổ chức quốc tế đánh giá là thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

 Logistics Việt Nam còn dư địa tăng trưởng cao
Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn, xuất, nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Hiện nay, ngành logistics Việt Nam có tốc độ phát triển từ 14% đến 16%/năm. Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

leftcenterrightdel
Giai đoạn 2 của cụm cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng được gấp rút triển khai xây dựng. Ảnh: VŨ PHONG 

Theo ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải: Theo kết quả nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đến năm 2030 khoảng từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn. Với dự báo trên thì thị trường cho vận tải biển là rất lớn, mở ra cơ hội cho đội tàu biển Việt Nam cũng như đội tàu nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam trong những năm tới. Với thị trường hàng không, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Asean Cargo Gateway cho hay, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không lớn nhất khu vực Đông Nam Á, bình quân 9,5%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của khu vực là 4,7%. DN ngành logistics có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, DN Việt Nam cần chứng minh được năng lực của mình trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Liên kết nâng cao sức cạnh tranh

Mặc dù có bước phát triển mạnh mẽ song ngành logistics Việt Nam còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao (chiếm khoảng 16,8% so với GDP), liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, sự kết nối giữa các DN logistics với nhau và vai trò dẫn dắt nội địa chưa được hình thành... Thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của hơn 5.000 DN cung cấp dịch vụ logistics, trong đó chiếm 89% là DN trong nước, 10% là DN liên doanh và 1% là DN 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia... Cho dù các DN trong nước chiếm tỷ lệ lớn nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các DN nước ngoài.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Ngành logistics đang đứng trước nhiều thay đổi của thị trường, nhất là sự đổ bộ vào thị trường Việt Nam của các nhà vận tải quốc tế với hình thức vận chuyển mới, ứng dụng công nghệ số hiện đại. Điều này đặt ra câu hỏi: DN logistics Việt Nam làm thế nào để tận dụng cơ hội đang dần hiện hữu trước mắt. Về giải pháp tháo gỡ, với ngành hàng hải, ông Võ Duy Thắng đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng đội tàu biển. Đó là tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vận tải biển, tạo ra hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, tham gia các công ước quốc tế, hiệp định vận tải song phương, đa phương và hỗ trợ thủ tục pháp lý để DN Việt Nam mở rộng đại lý ra nước ngoài. Từ góc độ DN, ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, trong thời điểm hiện tại, DN cần đầu tư vào logistics thông minh, phát triển logistics xanh, cảng xanh để đón đầu và sẵn sàng sử dụng khi thị trường tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, ông Bùi Văn Quỳ cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Việt Nam muốn có đội tàu hùng cường thì phải hợp lực, liên minh lại để không phải cạnh tranh với nhau mà cạnh tranh với quốc tế.

Một yếu tố khác để phát triển ngành logistics Việt Nam hùng mạnh đó là chất lượng nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam đánh giá, nhu cầu nhân lực logistics Việt Nam hiện rất lớn, song về chất lượng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN. Theo đó, các trường đào tạo cần tiếp tục đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp các nội dung, hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực cho sinh viên về logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác, phối hợp với các DN, hiệp hội để gắn hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập, tuyển dụng với thực tiễn một cách thực chất, tăng cường vai trò dẫn dắt của DN với hoạt động phát triển toàn diện nguồn nhân lực. Còn ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị, Chính phủ cần chú trọng quy hoạch tổng thể phát triển ngành, tạo nên nền tảng phát triển dài hạn, trong đó sớm triển khai xây dựng Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam cho giai đoạn 2025-2030. Đồng thời, đề nghị các địa phương thu xếp quỹ đất cho phát triển các trung tâm dịch vụ logistics, xây dựng các cảng cạn, các kho bãi làm hàng, nhất là các kho bãi cho dây chuyền cung ứng lạnh nhằm góp phần vào việc phát triển kết cấu hạ tầng logistics, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất và xuất, nhập khẩu đang gia tăng.

KHÁNH AN