Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo cơ quan, ban, ngành Việt Nam, Lào; các hiệp hội, chuyên gia logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logistics Lào, Việt Nam cũng như khu vực Đông Bắc Thái Lan.
Đối với Việt Nam, Lào đứng thứ hai trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 209 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD. Tại thị trường Lào, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, phân bón, thức ăn gia súc.
 |
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và LITFA; AVILA |
Với vị trí “vàng” trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế kết nối trực tiếp đến Lào, Hà Tĩnh là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung bộ và Đông Bắc Thái Lan, trung tâm logistics và điểm đến đầu tư đầy triển vọng tại khu vực miền Trung. Những năm qua, Hà Tĩnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ khá liên hoàn, thông suốt, từ đường bộ, đường hàng không đến đường biển. Đặc biệt là tuyến đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng, các dự án đường sắt và đường bộ kết nối sang Lào. Ngoài ra, để đón hàng hóa từ cảng biển Vũng Áng sang Lào và Thái Lan, Hà Tĩnh cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng 1 cảng cạn ICD tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, với quy mô khoảng 5-10 ha, năng lực thông qua 13.500 - 27.000 TEU/năm.
Với tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tiên phong, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã và đang xây dựng các giải pháp chiến lược để phát triển toàn diện dịch vụ logistics Việt - Lào thông qua khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Lào, ông Somvixay Vongthirath nhấn mạnh rằng, dịch vụ logistics là một trong những lĩnh vực quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu và dịch vụ của Lào. Mặc dù Lào không có đường vận tải biển, nhưng vẫn nhận được sự giúp đỡ từ phía Việt Nam, trong việc kết nối với vận tải biển của Việt Nam. Trong thời gian tới, Lào sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics hàng quá cảnh qua Việt Nam.
Về phía Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn Thông cho biết, với vị thế là nhà khai thác cảng và logistics hàng đầu tại Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận thức rõ vai trò trách nhiệm, cũng như cơ hội rất lớn của mình trong việc phát triển các hoạt động kết nối logistics giữa hai quốc gia Lào - Việt Nam và khu vực Đông Bắc Thái Lan qua các tuyến hành lang logistics Đông-Tây.
Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Hiệp hội Logistics quốc tế Lào (LITFA) và Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA). Ba bên sẽ tăng cường hợp tác tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thảo, khảo sát, hội nghị để doanh nghiệp ba bên trao đổi thông tin, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu; kết nối kêu gọi đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai các dự án về đường bộ, đường sắt, đường thủy... kết nối giữa hai nước Lào và Việt Nam, rộng hơn là các nước kế cận như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia tạo thành một mạng lưới vận chuyển xuyên suốt và tiện lợi…
Tin, ảnh: VŨ DUNG