Để phát triển NNCNC, các địa phương chú trọng ngay từ đầu tới chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ và thực hiện quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín.
Hợp tác nghiên cứu cây giống, con giống
Cách đây hơn một năm, trong buổi trao quyết định Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, đất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh cũng dần bị thu hẹp. Thế nhưng, nông nghiệp vẫn phải là một trong những lĩnh vực chủ yếu đóng góp cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh; phải là NNCNC. Do vậy, Ban Quản lý Khu NNCNC phải nghiên cứu những sản phẩm có chất lượng tốt, có thương hiệu vàng của thành phố và các tỉnh lân cận”. Yêu cầu đó đặt ra cho TS Phạm Đình Dũng, Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC phải tìm cách đổi mới, tăng cường liên kết, hợp tác để nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi. TS Phạm Đình Dũng cho biết: “Chất lượng cây giống, con giống là yếu tố quan trọng hàng đầu để có được những sản phẩm nông nghiệp mong muốn. Cho nên, chúng tôi đã ký kết hợp tác với các trường thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; đề xuất thành phố ưu tiên mời gọi chuyên gia, nhà khoa học uy tín hợp tác để nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi ưu việt phục vụ phát triển nông nghiệp không chỉ tại TP Hồ Chí Minh mà còn hỗ trợ các tỉnh trong khu vực”.
Kết quả của sự hợp tác cho ra đời nhiều loại giống mới, được đánh giá khả quan. Tại hội chợ triển lãm giống NNCNC do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức giữa tháng 8 vừa qua, hàng loạt giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, NNCNC, công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp, các sản phẩm chủ lực của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đã được giới thiệu tới đông đảo nhân dân và chủ trang trại để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Không chỉ vài năm gần đây mà nhiều năm trước các tỉnh: Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... đã ký kết, đặt hàng các trường đại học nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi để phát triển NNCNC. Nhiều câu lạc bộ, khu vườn ươm nông nghiệp đã ra đời, cung cấp giống nông sản mới, có sức sinh sản cao, khả năng kháng dịch bệnh tốt, được ứng dụng thực tiễn mang lại giá trị lớn cho địa phương. Theo PGS, TS Nguyễn Phương Thảo, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), hiện nay xu hướng chủ đạo là phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tuần hoàn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc hợp tác giữa chính quyền với nhà trường để ứng dụng công nghệ sinh học thực vật 4.0 nâng cao chất lượng, sản lượng cho cây trồng, vật nuôi là cần thiết. Các khu vườn ươm nông nghiệp và khu thực hành NNCNC sẽ là trung tâm lai tạo cây giống, con giống khỏe mạnh, ưu việt hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thông minh.
Tại tỉnh Bình Dương, triển khai thực hiện chủ trương phát triển NNCNC, toàn tỉnh hiện có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo), phường Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên), xã An Thái (huyện Phú Giáo) và khu Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên). Theo TS Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và trực tiếp “đặt hàng” Trường Đại học Miền Đông và Trường Đại học Thủ Dầu Một, mỗi năm cung cấp cho địa phương vài chục loại cây giống, con giống chất lượng cao, phù hợp đặc điểm thổ nhưỡng, thời tiết. Kết quả này sẽ góp phần để Bình Dương đạt được mục tiêu đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5-3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC chiếm trên 30% vào năm 2025.
Áp dụng quy trình nuôi, trồng khép kín
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, các trang trại tập trung nhiều ở vùng Đông Nam Bộ, bình quân 625 trang trại/tỉnh. Số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cũng chiếm tỷ lệ cao trong cả nước. Chỉ tính riêng tại Đồng Nai, đến tháng 8-2022, toàn tỉnh có 170 HTX đang hoạt động. Trong đó, khoảng 50% số HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết khép kín; đa phần trang trại thực hiện nuôi, trồng khép kín để bảo đảm chất lượng, an toàn và nâng cao năng suất. Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công (huyện Nhơn Trạch) với mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao; HTX Thanh Bình (huyện Trảng Bom) đi tiên phong phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chuối xuất khẩu...
 |
Hàng nông sản nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai tham gia hội chợ nông sản năm 2021. |
Tham quan trang trại gà Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), một trong những trang trại sớm ứng dụng công nghệ cao và quy trình chăn nuôi khép kín, chúng tôi được ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại giới thiệu: “Từ khâu cho ăn đến thu hoạch, xử lý và đóng gói sản phẩm thịt gà xuất khẩu, chúng tôi đều áp dụng kỹ thuật, thực hiện tròn khâu theo dây chuyền, quản lý bằng phần mềm công nghệ. Với 275.000 con gà trong trang trại khá rộng, nhưng chỉ cần 15 người là bảo đảm trôi chảy công việc thay vì 90 người nếu nuôi thủ công. Ứng dụng công nghệ giúp ích rất nhiều khi thực hiện chăn nuôi khép kín, hướng tới nông nghiệp hiện đại, thông minh”.
Mới đây, gia đình ông Đức đã đầu tư hệ thống tự động thu gom phân gà để chế biến thành phân vi sinh, xử lý được mùi hôi và khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Tại tỉnh Long An, năm 2022, tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô, nâng chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tỉnh đã củng cố lại diện tích rau công nghệ cao với gần 1.830ha, đạt 103% kế hoạch năm 2022 và đạt hơn 90% rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025. Trong đó, việc tuân thủ quy trình trồng trọt an toàn, khép kín từ cây giống, chăm bón, đến thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm đều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Tỉnh khuyến khích áp dụng quy trình nuôi, trồng khép kín không chỉ với diện tích lớn mà cả với hộ gia đình, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh Long An phát triển bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, hiệu quả cao. Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, mục tiêu mà tỉnh đặt ra là nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị sản xuất, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và khống chế các loại bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển NNCNC. Với mục tiêu này, việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình nuôi, trồng khép kín là yêu cầu quan trọng đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, vì lợi ích thiết thực của người dân trên địa bàn.
Bài và ảnh: THANH HUYỀN