Tăng cả lượng và giá

Xuất khẩu gạo quý I-2023 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực do cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo đúng định hướng, gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, gạo cao cấp đem lại giá trị cao, giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp. Điển hình trong tháng 2-2023, sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả, tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Séc) và Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên sang thị trường châu Âu, với giá 1.800USD/tấn.

Lô hàng này đã mở ra bước đi mới cho gạo hữu cơ Quảng Trị, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của người nông dân làm lúa hữu cơ ở địa phương. Hay mới đây, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã kết nối doanh nghiệp ký kết thành công hợp đồng đưa 10 container gạo ST25 sang Cộng hòa Vanuatu, mở ra nhiều chuyến hàng tiếp theo.

leftcenterrightdel

Thu mua lúa gạo trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: CÔNG MẠO

Thông tin về tình hình xuất khẩu gạo quý I-2023, ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường như Liên minh châu Âu nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá trị gia tăng cao. Điều này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính.

Về thị trường xuất khẩu, trong quý I-2023 ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng (như: Philippines tăng 44,8%; Trung Quốc tăng 118,8%...) và thị trường tiềm năng (như: Chile tăng gấp 25 lần; Singapore tăng gần 30%...). Theo khu vực, châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong quý I-2023, đạt gần 1,57 triệu tấn, chiếm hơn 84,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, châu Phi vẫn là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt hơn 157.000 tấn, chiếm 8,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1,7%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 32.000 tấn, tăng trưởng tốt gần 11% so với cùng kỳ năm 2022.

Tận dụng cơ hội thị trường

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động; tình hình biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị cũng khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực. “Nhìn chung về thị trường xuất khẩu gạo năm nay, về phía nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi, vấn đề của ngành gạo năm nay là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu của thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhấn mạnh. Đồng thời, ông Nguyễn Ngọc Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có cơ chế, chính sách tín dụng cho ngành gạo.

Theo các chuyên gia, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ lúa đông xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chưa thực sự đa dạng hóa thị trường, vẫn có dấu hiệu phụ thuộc vào một thị trường trọng điểm như Philippines hoặc Trung Quốc; thị trường châu Phi đang có dấu hiệu sụt giảm sản lượng xuất khẩu. Chi phí sản xuất gia tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, công tác phát triển thị trường cần được tăng cường hỗ trợ, bảo đảm tính tương xứng với tiềm năng ngành hàng.

Để tận dụng tốt cơ hội thị trường cho ngành hàng gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất khẩu gạo tầm nhìn đến năm 2030 để các doanh nghiệp, địa phương có cơ sở tổ chức triển khai đồng bộ. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cơ cấu lại chủng loại giống gạo đặc thù, mã vùng trồng phục vụ cho chiến lược xuất, nhập khẩu gạo, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu... để cung cấp cho thị trường tốt hơn.

KHÁNH AN