Dù Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: Năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nói riêng do tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại đã chuyển đổi mạnh mẽ, giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất khẩu trong năm 2021.

Theo đó, tính đến hết tháng 11-2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 602 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Ước tính cả năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt con số  660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020 và nhập khẩu ước đạt 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020.

Như vậy, cán cân thương mại năm 2021 tiếp tục xuất siêu với con số khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020. Đặc biệt, dự kiến năm nay có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm ngành so với năm 2020....

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại diễn đàn. 

Để đạt được kết quả trên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì hoạt động xúc tiến thương mại đã chuyển đổi mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho sản xuất và xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ rõ: Trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của Covid-19, nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản, hàng hóa vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết, thời gian gần đây, các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước trong 2 năm qua.

Không thể xúc tiến các sản phẩm không đáng để xúc tiến

Để cải thiện hiệu quả xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh cũng đồng tình với quan điểm đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Tuy vậy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh cho rằng, chỉ nên coi đây là nhân tố tạo động lực mới chứ không thể thay thế xúc tiến thương mại truyền thống.

 Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại diễn đàn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh cũng lưu ý tới việc "xanh hóa" hoạt động xúc tiến thương mại, khi các thị trường xuất khẩu chính cũng đang dịch chuyển nhu cầu hướng tới các sản phẩm xanh.

“Tư duy xúc tiến thương mại cần đẩy mạnh hơn vào các thị trường cửa ngõ, bởi đây là các địa bàn quan trọng, giúp tìm kiếm thêm các thị trường mới, tiềm năng. Xúc tiến thương mại không nên tập trung ở một mặt hàng hay thị trường cụ thể, mà tính tới sự liên kết giữa các thị trường. Khi đó, cùng một công sức, hoạt động xúc tiến xuất khẩu sẽ có tính lan tỏa, kết nối và gia tăng giá trị xuất khẩu lên gấp bội”, bà Trần Hồng Minh gợi ý.

Góp ý tại diễn đàn, ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư Thứ Nhất, Phó ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng lưu ý, thị trường 500 triệu dân của châu Âu rất có tiềm năng nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ; người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng.

Từ đó, ông Bartosz Cieleszynsky kêu gọi các doanh nghiệp chủ động hơn và thích ứng với thị trường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Không thể xúc tiến xuất khẩu được nếu sản phẩm đó không đáng để xúc tiến.

“Những sản phẩm xứng đáng được xúc tiến là những sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Đó là các sản phẩm đáp ứng được tiêu chí: Xanh - sạch – được sản xuất theo một phương thức bền vững nhất với môi trường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chỉ rõ.

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh đến việc xúc tiến xuất khẩu sẽ không thể thực hiện được nếu như không có xúc tiến nhập khẩu, để bảo đảm sự cân đối.

"Nếu còn giữ tư duy chúng ta chỉ xuất khẩu và nhập khẩu ít nhất có thể thì sẽ không thể tồn tại được trong thế giới ngày nay", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh. 

THẢO NGUYÊN