Giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp tới giá dịch vụ vận tải, là chi phí đầu vào của rất nhiều hàng hóa, dịch vụ. Xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo sự tăng giá của rất nhiều mặt hàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chính sách điều hành giá của nhà nước mà còn liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Do vậy, cần có giải pháp kiểm soát giá dịch vụ vận tải và các mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”.
Công khai, minh bạch trong điều hành giá
Trao đổi với chúng tôi, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho biết, xăng dầu là khoản chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá thành dịch vụ vận tải. Khi giá xăng dầu tăng cao, nếu chưa điều chỉnh tăng giá dịch vụ vận tải, lợi nhuận của doanh nghiệp bị suy giảm rất lớn, dẫn tới các khoản phúc lợi cho người lao động cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nếu giá xăng dầu tiếp tục neo ở mức cao, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ vận tải là khó tránh khỏi. Khi giá dịch vụ vận tải tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của hầu hết loại hàng hóa khác.
Đây sẽ là áp lực rất lớn cho công tác điều hành giá, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát theo các chỉ tiêu kế hoạch để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, điều đó cũng gây áp lực không nhỏ đến đời sống nhân dân bởi giá cả hàng hóa thiết yếu đắt đỏ hơn trong bối cảnh thu nhập của người lao động đang chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19.
Do vậy, đây là lúc các cơ quan chức năng cần sử dụng tới các công cụ điều hành, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các công cụ về thuế, phí. Cũng có ý kiến đề nghị xem xét giảm chu kỳ điều hành giá xăng dầu hơn nữa để thị trường trong nước phản ứng nhanh hơn với thị trường xăng dầu thế giới; điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
 |
Cần kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”. Ảnh minh họa: vtv.vn |
Trước “sức nóng” của giá xăng dầu và của dư luận xã hội, Bộ Tài chính vừa ra thông cáo báo chí cho biết, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu và giá các mặt hàng nguyên, vật liệu chính cho sản xuất trong nước đang hoặc dự báo có biến động tăng cao trên thị trường thế giới. Từ đó có biện pháp quản lý, điều hành kịp thời để bình ổn thị trường, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu. Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ các giải pháp về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg.
Về đề xuất điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, mức chi phí kinh doanh định mức đối với các mặt hàng xăng RON95, E5RON92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít; đối với các mặt hàng dầu diesel 0,05s, dầu hỏa, dầu mazut lần lượt là 1.000 đồng/lít; 950 đồng/lít và 561 đồng/lít.
Việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức được Bộ Tài chính rà soát hằng năm. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ Tài chính đã gửi công văn đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định để Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát và đánh giá.
Với kiến nghị linh hoạt thời gian điều hành giá, theo lý giải của Bộ Tài chính, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày 1, ngày 12 và 21 hằng tháng (chu kỳ 10 ngày) như quy định hiện hành là phù hợp với thực tế mua, bán xăng dầu của đa số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giúp giá trong nước phản ánh sát với giá xăng dầu trên thị trường thế giới; đồng thời cũng góp phần bảo đảm được tính công khai, minh bạch trong công tác điều hành giá.
Sử dụng hiệu quả, linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Bộ Công Thương cho rằng, thị trường xăng dầu thế giới có biến động tăng giá, nguồn cung khan hiếm là do ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị giữa Nga-Ukraine và bất ổn chính trị tại các nước như: Kazakhstan, Libya, Iran... Cùng với đó, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như: Mỹ, Trung Quốc... cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao, làm tăng giá xăng dầu trong nước.
Còn theo Bộ Tài chính, trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua tiếp tục được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng quy định. Bên cạnh đó, công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, góp phần giảm mức tăng giá xăng dầu trong nước.
Bộ Công Thương cho hay, cơ quan này cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu; đi đối với công tác kiểm soát thị trường và tăng cường công tác dự báo.
Theo phản ánh của người dân thì việc giá xăng dầu tăng-giảm theo thị trường thế giới là bình thường. Các cơ quan chức năng sử dụng các công cụ điều hành để góp phần bình ổn giá xăng dầu là rất đáng hoan nghênh để góp phần ổn định giá cả xăng dầu và giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, người dân mong muốn các cơ quan chức năng cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải. Nhất là có biện pháp kiểm tra tác động với chi phí đầu vào, giá thành dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng như thế nào với từng mức tăng của giá xăng dầu, từ đó kiểm soát được việc tăng giá dịch vụ vận tải có hợp lý hay không.
Đặc biệt, khi giá xăng dầu giảm thì giá thành vận tải cũng phải giảm tương ứng, tuyệt đối tránh việc các doanh nghiệp vận tải tăng giá rồi neo luôn ở mức giá đó, hoặc giảm giá rất ít so với việc giảm giá xăng.
Cùng với đó, cần kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá bán hàng hóa một cách bất hợp lý và cũng neo luôn ở mặt bằng giá mới mà không chịu giảm theo giá xăng dầu.
CHIẾN THẮNG