Để thực hiện thành công dự án này, một trong những vấn đề lớn đặt ra là huy động nguồn vốn khi mà tuyến đường đi qua địa hình phức tạp, cần nhu cầu vốn lớn nhưng lưu lượng phương tiện còn ở mức thấp.

Đa dạng hóa nguồn lực

Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh là dự án thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8-2020 theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Điểm đầu dự án tại vị trí nút giao kết nối với cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng và đường đi cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam thuộc địa phận huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Điểm cuối dự án tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Quy mô dự án giai đoạn hoàn thiện là 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 17m, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Mức đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) của dự án là hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng gồm ngân sách Trung ương (2.500 tỷ đồng) và ngân sách địa phương (4.080 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác là 5.371 tỷ đồng.

Tuyến đường cao tốc này được người dân tỉnh Cao Bằng cũng như khu vực Đông Bắc mong chờ từ lâu, sẽ kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh đến Tân Thanh, Cốc Nam với Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng. Qua đó sẽ tạo thuận lợi cho thông thương, đi lại của người dân, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, dự án thực hiện tại khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, hướng tuyến trải dài với nhiều hạng mục hầm, cầu lớn. Nhu cầu vốn của dự án riêng trong giai đoạn đầu đã lên đến hơn 13.000 tỷ đồng là thách thức không nhỏ, nhất là khi việc huy động vốn xã hội hóa cho hạ tầng giao thông đang gặp nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
Phối cảnh dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh do đơn vị tư vấn thiết kế cung cấp 

Cuối tháng 2-2022, UBND tỉnh Cao Bằng và liên danh các nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại-Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú-Invest đã ký thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Đây là dấu mốc được đánh giá là bước tiến quan trọng của dự án, đẩy nhanh quá trình huy động nguồn lực để hiện thực hóa tuyến đường này. Theo đó, ngoài phần vốn ngân sách nhà nước và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, đối với phần vốn còn lại, nhà đầu tư sẽ huy động bằng hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh... Liên danh nhà đầu tư cam kết tham gia phần vốn hợp tác đầu tư là 2.685 tỷ đồng và sẽ cùng với UBND tỉnh Cao Bằng huy động khoảng 2.685 tỷ đồng vốn tín dụng cho dự án. Với những cam kết này, phương án tài chính của dự án được đánh giá là khả thi để triển khai thực hiện.

Chia nhỏ rủi ro, chia sẻ lợi ích

Chia sẻ về vai trò của dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: "Tuyến đường cao tốc này là dự án xương sống, có tính chất khai phá, khơi thông điểm nghẽn, nút thắt, giúp mở rộng không gian phát triển còn nhiều tiềm năng của tỉnh Cao Bằng. Đây là dự án quan trọng nhất, cấp thiết nhất của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Cao Bằng đã thể hiện quyết tâm, trách nhiệm tham gia của chính quyền địa phương trong việc tổ chức triển khai dự án từ bố trí quỹ đất đối ứng, giải phóng mặt bằng... và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để liên danh nhà đầu tư tham gia đầu tư đường cao tốc cùng với các dự án liên quan trên địa bàn tỉnh".

Đại diện liên danh nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra 5 đề xuất để thực hiện được dự án. Trước hết là bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước đúng tiến độ khi các nguồn vốn khác đã được cơ cấu; bảo đảm tiến độ các dự án kết nối cao tốc tạo nguồn lực cho dự án. Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư; thống nhất với nhà đầu tư để phê duyệt tiến độ thực hiện dự án, khẳng định sự quyết tâm và xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, cần công khai cho nhân dân giám sát, có chế tài thưởng, phạt làm cơ sở thúc đẩy quá trình triển khai dự án.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, khi thực hiện dự án này đã có rất nhiều sáng kiến từ các nhà đầu tư. Sự quyết tâm của các nhà đầu tư là có cơ sở, cách kết nối rất thông minh, chia nhỏ rủi ro nhưng chia nhiều lợi ích được thụ hưởng trong tương lai cho các doanh nghiệp khai phá, biết kết nối hạ tầng giao thông với các dư địa phát triển bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, cửa khẩu... Dự án này không chỉ mang đến cho tỉnh Cao Bằng một con đường mà cả tầm nhìn chiến lược về cách làm, biện pháp huy động vốn của mô hình PPP, sẽ là giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của những địa phương còn nhiều khó khăn.

MẠNH HƯNG