Tập trung giải ngân vốn
Tiếp nhận nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (Nghị quyết 68) về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, anh Phùng Mạnh Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Giầy Hồng Phúc (phường Biên Giang, quận Hà Đông) chia sẻ, thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội rất nhanh chóng, các thủ tục làm chưa đến một tuần, với lãi suất 0%. Nguồn vốn đã giúp công ty trả lương cho người lao động kịp thời để bảo đảm cuộc sống...
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trong năm 2021, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện kịp thời chính sách tín dụng đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết số 126/NQ-CP (Nghị quyết 126) về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, thành phố đã dành 1.150 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách chuyển qua NHCSXH TP Hà Nội để giải ngân cho vay người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh.
 |
Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: VIỆT HẢI |
Chia sẻ về việc thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 của Chính phủ, ông Phạm Văn Quyết, Phó giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi tiếp nhận vốn ủy thác, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị-xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức bình xét, rà soát hộ vay theo đúng thứ tự ưu tiên của thành phố về đối tượng được vay vốn, ngành nghề vay vốn...
Đến hết năm 2021, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã kịp thời giải ngân được 162 tỷ đồng cho 157 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 38.020 lượt người lao động.
Đánh giá về hiệu quả thực hiện các chính sách vay vốn, bà Nguyễn Thị Bắc, Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Oai chia sẻ, vốn vay đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của huyện. Năm 2021, toàn huyện Thanh Oai có 143 hộ thoát nghèo, 318 hộ thoát cận nghèo.
Thực hiện hiệu quả 5 nhóm giải pháp
Nhấn mạnh về nhiệm vụ thực hiện các chính sách tín dụng của thành phố, ông Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan, UBND các địa phương tích cực phối hợp với Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các nội dung liên quan đến tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP (Nghị quyết 11) về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; đặc biệt, tập trung 5 nhóm giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, làm tốt công tác rà soát đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng được Chính phủ giao thực hiện tại Nghị quyết 11 để làm cơ sở tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng chính sách, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn cho vay trên địa bàn Hà Nội.
Thứ hai, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Chính phủ tại Nghị quyết 11, trong đó, đặc biệt quan tâm tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng theo quy định.
Thứ ba, tham mưu với UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH TP Hà Nội, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được tiếp cận vốn tín dụng chính sách với những ưu đãi hơn về điều kiện, thủ tục, lãi suất và mức vốn vay.
Đồng thời, cân đối ngân sách thành phố khoảng 1.000 tỷ đồng chuyển bổ sung qua NHCSXH TP Hà Nội trong năm 2022 và 2023 để thực hiện gói tín dụng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19...
Thứ tư, chỉ đạo NHCSXH TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng đã và đang triển khai trên địa bàn...
Thứ năm, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan quan tâm gắn tín dụng chính sách xã hội với các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu tại Nghị quyết 11...
Trong bối cảnh dự báo năm 2022 dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống, việc làm, sinh kế của người dân, ông Phạm Văn Quyết cho biết, cơ quan sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả gói tín dụng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023 Chính phủ giao cho NHCSXH khi địa bàn Hà Nội được phân bổ vốn.
Đồng thời, tiếp tục triển khai chính sách cho vay người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch theo đúng quy định.
ĐOÀN THU THẢO