Từ đó tạo động lực để TP Hồ Chí Minh vươn lên mạnh mẽ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tiếp đà tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm. Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là phân cấp, phân quyền cho địa phương, tăng tính tự chủ để vừa phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động.

Một góc quận 2 với xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Ảnh: Thanh Vũ 

Thảo luận về dự thảo nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Quốc hội nên xem xét, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TP Hồ Chí Minh trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, thay vì trình Quốc hội hay Chính phủ cho phép thành lập từng cơ quan chuyên môn, như sở an toàn thực phẩm, ban đô thị và một số vấn đề khác thì ngay tại nghị quyết có thể phân quyền cho HĐND TP Hồ Chí Minh được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, có thể cho phép thành phố quy định tiêu chuẩn, định mức tối thiểu về số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định tổng biên chế đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện. Đồng thời được chủ động điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý và đặc điểm địa bàn, bảo đảm không vượt quá tổng biên chế đã được HĐND quyết định, tương tự như hình thức khoán biên chế.

Đẩy mạnh phân cấp về tổ chức bộ máy được đánh giá là một trong những yếu tố quyết định để tăng tính hiệu quả đối với công tác quản lý, giúp TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng các giải pháp, thử nghiệm những mô hình mới phù hợp với đặc thù của địa phương. Theo nhiều ĐBQH, thực tế có những vấn đề xảy ra cần các cấp chính quyền đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời. Vì vậy, khi được phân quyền mạnh mẽ, địa phương sẽ tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian, thủ tục. Một vấn đề khác cũng đặt ra trong công tác tổ chức bộ máy là cần quản lý tốt nguồn lực và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Việc áp dụng cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ giúp thành phố sử dụng hiệu quả nhân lực, bố trí nhân sự hợp lý tại từng cơ quan, đơn vị; đồng thời vẫn bảo đảm nằm trong giới hạn biên chế đã được phê duyệt cũng như tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng ngân sách. Cơ chế đặc thù là những chính sách mới, xuất phát từ thực tiễn và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Để cơ chế, chính sách ban hành thực sự tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển cần có những quyết sách đủ mạnh, đủ tầm vóc.

MẠNH HƯNG