Lạm phát 4 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát 

Tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” vừa được Tạp chí Kinh tế và Dự báo – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 4 tháng đầu năm nay với tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu làm CPI 4 tháng tăng, theo TS Nguyễn Bích Lâm, là do bình quân 4 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, giá gas trong nước biến động theo giá xăng dầu và giá gas thế giới...

Tuy nhiên, TS Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh một số nguyên nhân chủ yếu kiềm chế CPI 4 tháng đầu năm nay. Đó là, giá các loại thực phẩm bình quân 4 tháng đầu năm giảm 0,94% so với cùng kỳ năm trước.

“Mặc dù giá xăng dầu tăng cao và giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng, do sức mua của người tiêu dùng yếu nên cộng đồng doanh nghiệp chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để không tăng giá bán sản phẩm cũng là yếu tố góp phần kiểm soát lạm phát 4 tháng đầu năm nay”, TS Nguyễn Bích Lâm nói.

TS Nguyễn Bích Lâm dự báo lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm. Ảnh: baochinhphu.vn

Đồng thời, việc thực hiện miễn, giảm học phí của một số địa phương nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch cũng đã giúp chỉ số giá nhóm giáo dục giảm. Ngoài ra, việc Chính phủ chủ động chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, như việc giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu...

Áp lực lạm phát lớn song vẫn đạt mục tiêu kế hoạch đề ra: khoảng 4%

Mặc dù lạm phát trong 4 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng theo TS Nguyễn Bích Lâm, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.

Theo phân tích của nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, có 3 nhóm chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. 

Đó là, do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm tới 50,98%.

Bên cạnh đó còn là đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra chưa được khắc phục, thì khủng hoảng Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga… gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu trong thời gian tới, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế và gia tăng áp lực lạm phát đối với các quốc gia.

Đặc biệt, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Đại dịch Covid-19 và khủng hoảng Nga và Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây. 

“Đối với nước ta, giá xăng dầu càng tăng cao thì càng gây khó khăn đối với nền kinh tế”, TS Lâm nhấn mạnh.

Căn cứ vào những phân tích trên, từ góc độ của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4% - 4,5%.

Đặc biệt, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự báo năm 2023, lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5-5,5%.

Còn lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.

Áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. Ảnh minh họa

Giải pháp nào để "ghìm" lạm phát?

Đưa ra một số giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung.

Đồng thời, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới.

TS Nguyễn Bích Lâm cũng đề nghị Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể bảo đảm đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.

Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các Bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý.

Cuối cùng, các cơ quan truyền thông cần thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai gây ra...

THẢO PHƯƠNG