Năm 2021, tác động từ đại dịch Covid-19 khiến mặt bằng giá cả thị trường trong nước có những diễn biến phức tạp. Nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua, là một dấu ấn trong công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn.
Áp lực lạm phát đối với kinh tế đang hiện hữu
Năm 2021, các yếu tố làm gia tăng áp lực lên mặt bằng giá chủ yếu là do biến động tăng giá nguyên, vật liệu trên thế giới, chi phí vận chuyển logistics tăng cao đã tác động đến giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng (sắt, thép); nhất là các mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu, khí hóa lỏng do chịu tác động từ giá thế giới tăng cao khi nhu cầu chung trên thế giới tăng.
Tuy nhiên, nhờ việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đã giúp cho CPI bình quân cả năm 2021 ở mức 1,84%, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra.
 |
Người dân mua hàng tại Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. |
Năm 2022, Việt Nam đặt ra mục tiêu CPI tăng khoảng 4%. Theo giới chuyên gia, đây là quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ không dễ dàng, thậm chí còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.
Về yếu tố thuận lợi cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, đó là cung hàng hóa khá dồi dào, không gây biến động lớn về giá; 10 năm qua (2012-2021), xuất siêu 9 năm (trừ năm 2015 nhập siêu) giúp tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối cao giúp ổn định tỷ giá, giảm áp lực lạm phát.
Cùng với đó, nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, tạo dư địa kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tác động bất lợi lên lạm phát, bên cạnh đó cầu nội địa có thể tăng lại do phục hồi cộng với các gói kích cầu lớn.
Đề cập tới những yếu tố bất lợi làm gia tăng áp lực lạm phát, theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu, rộng với các nền kinh tế trên thế giới thì áp lực lạm phát sẽ đến ở cả phía cung và phía cầu. Lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển.
Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Về phía cầu, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới CPI chung.
Phân tích rõ về tác động của giá xăng dầu tới việc kiểm soát lạm phát, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước.
Có thể thấy, giá xăng dầu liên tục thiết lập mặt bằng giá, từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 4 lần liên tiếp. Với mức tăng gần 1.000 đồng trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21-2, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 26.000 đồng/lít với RON95 và đánh dấu mức cao nhất từ tháng 8-2014.
Giá xăng dầu tăng tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.
Kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ
Năm 2022, các tổ chức quốc tế dự báo CPI của Việt Nam tăng khoảng 3,5-4%; rủi ro vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hóa thế giới. Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào-ra, điều tiết giá cả.
Về quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, các bộ, ngành cần tiếp tục điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Nâng cao hiệu quả thực hiện các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các gói kích cầu và cung, từ đó nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có triển vọng phục hồi mạnh và tính lan tỏa cao, góp phần tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực, phục hồi kinh tế tốt hơn.
Cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư-kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế-xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát.
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.
Trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa bảo đảm kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.
Để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tiếp tục chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa; đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Liên quan tới mặt hàng xăng dầu, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, ổn định của thị trường, cung cầu xăng dầu trong nước.
Bài và ảnh: VŨ DUNG