QĐND - Ngày 19-6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Theo đó, luật chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, việc cho phép mang thai hộ thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng không thể sinh con.
Tạo điều kiện tối đa cho người có nhu cầu thực sự
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế đã họp dự thảo lần 1 xây dựng Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ (nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2015). Dự thảo nghị định sẽ không tập trung vào việc học tập, triển khai các kỹ thuật mang thai hộ vì các kỹ thuật này nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản ở nước ta đã thực hiện thuần thục. Việc lấy tinh trùng của người chồng, noãn của người vợ, sau đó thụ tinh, theo dõi phát triển của phôi… là những kỹ thuật nước ta đã thực hiện thành công. Đối với trường hợp mang thai hộ, khi phôi phát triển tốt sẽ không chuyển cho người vợ mà chuyển sang cho người mang thai hộ. Nội dung quan trọng của dự thảo nghị định này là đưa ra các quy định giúp những người có nhu cầu thực sự mang thai hộ dễ dàng được tiếp cận những kỹ thuật tốt nhất, tránh tuyệt đối việc kinh doanh, thương mại hóa về việc mang thai hộ; quy định vấn đề bảo đảm quyền lợi người có nhu cầu mang thai hộ và bảo đảm được tính pháp lý, kỹ thuật trong việc mang thai hộ. Trước mắt, bộ sẽ chọn một vài trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên cả nước có độ tin cậy về mặt pháp lý và chuyên môn cao để triển khai thực hiện phương pháp này, vì nhu cầu mang thai hộ hiện nay ở nước ta không nhiều (hằng năm chỉ có khoảng 500-700 người có nhu cầu).
 |
Có được đứa con từ huyết thống của mình là niềm khao khát của những cặp vợ chồng hiếm muộn.
|
Mang thai hộ có ý nghĩa rất lớn đối với những cặp vợ chồng có nhu cầu có con mà khả năng của họ không thể mang thai được. Ví dụ người vợ vì lý do bệnh tật phải cắt bỏ tử cung hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai. Dĩ nhiên, họ phải đáp ứng được điều kiện là hai buồng trứng vẫn bình thường và người chồng phải có tinh trùng khỏe. Trường hợp này, hai vợ chồng chỉ có thể có con bằng chính "giọt máu" của mình thông qua kỹ thuật mang thai hộ. Vì thế, việc cho phép mang thai hộ trong những trường hợp này là rất cần thiết, mang tính nhân văn, nhân đạo.
Mỗi người chỉ được mang thai hộ một lần
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nếu mỗi người chỉ mang thai hộ một lần thì sẽ không có người kiếm tiền hành nghề bằng mang thai hộ. Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ. Chẳng hạn, những người mang thai hộ sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người mang thai hộ đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký thì chắc chắn sẽ không được làm nữa, vì họ đã có trong danh sách đăng ký làm trước đó rồi. Về chuyên môn, mỗi lần phụ nữ mang thai cũng là một lần đẻ, nếu đẻ nhiều liên tục thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sản phụ.
Những người có nhu cầu nhờ người khác mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý...
Tương tự điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích, cùng họ hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai. Đồng thời vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Người nhờ mang thai phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường…
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong giai đoạn đầu khi Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực thi hành, những người có nhu cầu đăng ký mang thai hộ ở khu vực nào thì nên đến các trung tâm được phép triển khai các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của Bộ Y tế ở khu vực đó.
Theo thống kê của Bộ Y tế hiện nay, có hơn 700.000 cặp vợ chồng không có điều kiện sinh con, muốn được làm cha, làm mẹ. Hiện chi phí mang thai hộ ở Việt Nam dự kiến khoảng từ 2000-3000USD/lần (ở Mỹ khoảng 35.000USD/lần). |
Bài, ảnh: THU HƯƠNG