Hiệu quả thiết thực từ chuyển đổi xanh
Để chuyển đổi xanh, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) đang áp dụng tiêu chuẩn về công nghệ xanh, an toàn đóng tàu. Theo ông Phạm Quang Tuyến, Quyền Tổng giám đốc công ty đóng tàu Nam Triệu, đây là tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, môi trường trong ngành công nghiệp tàu thủy.
Ngoài ra, nhà máy đáp ứng những yêu cầu về trang thiết bị bảo hộ lao động và nghiên cứu công nghệ làm sạch mới. Nhà máy đầu tư nhà làm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế, có hệ thống lọc hút tự động, không thải ra môi trường. Đối với công tác sửa chữa tàu biển, Nam Triệu đang thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ phun nước áp lực cao thay cho phun cát. Trên thế giới, công nghệ làm sạch bằng hạt nix rất phổ biến nhưng do ảnh hưởng đến môi trường nên Việt Nam đã cấm sử dụng. Hiện tại, các nhà máy ở Việt Nam chủ yếu làm sạch bằng cát, việc triển khai hệ thống robot sử dụng nước áp lực cao sẽ là đột phá của nhà máy trong thời gian tới.
 |
Công nhân làm việc tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng). Ảnh: TẠ HẢI |
Bên cạnh đó, công ty đóng tàu Nam Triệu cũng triển khai một số giải pháp chuyển đổi sản xuất như lắp đặt và đưa vào sử dụng thiết bị cắt bằng lazer để giảm sử dụng năng lượng hóa thạch. "Các chủ tàu, nhất là chủ tàu quốc tế đều đưa ra đòi hỏi cao về chuyển đổi xanh, yêu cầu về bảo vệ môi trường ngay từ quy trình sản xuất đến sản phẩm. Khi đã thỏa mãn các tiêu chuẩn quốc tế, môi trường làm việc của nhà máy cũng tốt hơn", ông Phạm Quang Tuyến chia sẻ.
Chị Phạm Thị Hương, thợ hàn thuộc Tổ đấu đà 4, Phân xưởng Vỏ (công ty đóng tàu Nam Triệu) bày tỏ, khi môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, công nhân là người được hưởng lợi đầu tiên. Như chia sẻ của chị Hương, nhà máy đang ngày càng tốt hơn về môi trường làm việc. Ví dụ trước đây, nhà vệ sinh ở xa, nay có khu vực nhà vệ sinh riêng ngay trong phân xưởng. Thiết bị bảo hộ lao động, điều kiện làm việc tốt hơn. Thu nhập của người lao động tăng lên, bình quân 400.000 đồng/ngày công, mỗi tháng 35-36 công.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cho biết, công ty đã có các quy định về tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, triển khai phân loại rác ở nhà xưởng và văn phòng. Ví dụ như trong sơn tàu biển phải sử dụng ni lông, công ty ưu tiên dùng loại ni lông thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, khi làm việc với chủ tàu nước ngoài, họ rất quan tâm đến an toàn sức khỏe, môi trường. Chủ tàu đến từ Na Uy còn cử đoàn đánh giá độc lập về công tác này. Kể cả khi ký hợp đồng thuê nhà thầu phụ, chủ tàu cũng yêu cầu nhà máy phải xác nhận nhà thầu phụ bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách, bảo hiểm cho người lao động. Hiện nay, nhà máy đã xây dựng hệ thống vận hành chuyên nghiệp, môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Khó khăn về nguồn lực
Một trong những sản phẩm nổi bật của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) là đóng mới các tàu khách nghỉ đêm cho chủ tàu đến từ Australia. Những tàu này sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường với tỷ lệ lưu huỳnh thấp và hệ thống điều hòa có công nghệ làm mát bằng nước, không dùng khí gas, nhằm làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Để đáp ứng những yêu cầu về quy trình sản xuất xanh từ các chủ tàu quốc tế, công ty đóng tàu Hạ Long đã áp dụng các tiêu chuẩn như: ISO 14000, ISO 14001, JH143 và 5S song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Những nỗ lực này không chỉ giúp đơn vị đáp ứng yêu cầu của các chủ tàu về sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn khẳng định vị thế của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với thế mạnh về đóng các loại tàu chở dầu, hóa chất, Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng) đang tích cực triển khai các hợp đồng đóng mới. Ông Trần Văn Rung, Phó tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng cho biết, đóng mới và sửa chữa là hai lĩnh vực cốt lõi của nhà máy, trong giai đoạn tới, Phà Rừng định hướng đẩy mạnh sản phẩm đóng mới, giúp hạn chế tác động đến môi trường so với sửa chữa tàu biển.
Mặc dù yêu cầu về chuyển đổi xanh đang đặt ra cấp bách với các nhà máy đóng tàu, tuy nhiên, theo đại diện một số đơn vị, thách thức lớn nhất khi chuyển đổi xanh là nguồn vốn để đầu tư công nghệ, trang thiết bị. Các nhà máy đóng tàu muốn đáp ứng yêu cầu công nghệ xanh phải đầu tư rất nhiều. Trong khi đó, khó khăn về tài chính vẫn là gánh nặng rất lớn đối với không ít đơn vị. Hiện nay, các nhà máy đều chủ yếu sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, bị hạn chế trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Để nâng cấp công nghệ cho nhà máy cần có nguồn vốn và chương trình phát triển dài hạn.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đối với tàu đóng trong nước. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam khi thay thế các tàu cũ bằng tàu đóng mới trong nước thay vì mua tàu hoặc đóng tàu ở nước ngoài. Đặc biệt là hỗ trợ khi chủ tàu đặt đóng mới trong nước với các dòng tàu sử dụng điện, năng lượng xanh. Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào những tổ chức đóng tàu quốc tế, khu vực để tăng cường, thiết lập các mối quan hệ đối tác với các công ty đóng tàu lớn trên thế giới. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do và hợp tác với các đối tác quốc tế có thể giúp ngành đóng tàu Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh.
(còn nữa)
MẠNH HƯNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.