Dự thảo luật quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Trong đó, theo khoản 2, điều 5, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có quy định, đối với đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Hiện nay, có thể nói vấn đề về quy hoạch và giải phóng mặt bằng đang gây rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư cũng như nhà thầu xây dựng khi thực hiện các dự án đầu tư công. Nguyên nhân được lý giải bởi tính chất phức tạp, thủ tục kéo dài, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tiến hành xác định nguồn gốc của đất, xác định giá, phương án bồi thường, di dời, tái định cư... tất cả phải được sự đồng thuận chung của cộng đồng mới có thể thực hiện được. Vì vậy, các dự án khi phải tiến hành giải phóng mặt bằng đều có tiến độ rất chậm, có khi kéo dài hơn cả thời gian triển khai dự án, điều này làm cho việc giải ngân gặp rất nhiều khó khăn và kết quả thường không đạt yêu cầu.

Việc dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đề xuất tách hoạt động giải phóng mặt bằng ra khỏi xây lắp và trở thành dự án độc lập sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vì được bố trí nguồn vốn và có quy trình, thủ tục riêng để thực hiện, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện và hoàn thành dự án đầu tư công.

Thực tế cho thấy, đây cũng là mong mỏi của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng nhằm rút ngắn thời gian các dự án có giải phóng mặt bằng, những chính sách này khi được thông qua sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian vừa qua, tạo điều kiện để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Đoạn đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: THÁI HƯNG 

Tuy nhiên, khi đề xuất tách hoạt động giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập cần phải có quy định chặt chẽ, tăng cường sự giám sát của cơ quan chức năng để tránh tiêu cực trong quá trình thực hiện. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), về việc tách riêng dự án giải phóng mặt bằng, mặc dù chưa có báo cáo đánh giá, tổng kết các dự án thí điểm, nhưng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, có thể yên tâm, đồng thuận, cho phép tất cả các dự án nhóm A, B, C đều có thể được tách phần giải phóng mặt bằng khi cần thiết.

Để tránh tình trạng lạm dụng việc tách giải phóng mặt bằng xong để đất trống không sử dụng hoặc tách xong lại dùng vào mục đích khác, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong dự thảo luật cần phải quy định cụ thể là người ra quyết định tách phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất sau khi giải phóng mặt bằng đúng mục đích như dự án ban đầu được đề xuất.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ thế nào là trường hợp cần thiết để có thể tiến hành tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; làm rõ việc dự án được tách là dự án độc lập hay dự án thành phần, vì khi đó tính chất của dự án sẽ khác nhau.

Theo nhận định từ các chuyên gia, trong thời gian tới, để có thể triển khai thực hiện hiệu quả nội dung này, cần quy định chi tiết trong dự thảo luật về trình tự, thủ tục tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập hoặc giao Chính phủ quy định, nhằm tránh việc lợi dụng để thực hiện sai mục đích của dự án; quy định định mức kinh tế - kỹ thuật đối với chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án trong thời gian bố trí vốn đầu tư công đối với các dự án bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan như thiên tai hay do công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài để có đủ thời gian hoàn thành và kết thúc dự án.

HOÀNG CHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.