Lựa chọn lối đi thông minh

TP thông minh là một khái niệm đã được nhắc nhiều trong thời gian qua với nhiều cách nhìn, phổ biến nhất là quan điểm TP thông minh là TP áp dụng công nghệ giúp cho các hoạt động của người dân, chính quyền, doanh nghiệp,… có hiệu suất cao hơn và tối ưu hơn. Dưới góc nhìn của Bình Dương, TP thông minh cần được hiểu rộng hơn, bao quát hơn, tập trung vào phương thức phát triển thông minh, tập trung vào cơ chế huy động tác giữa các chủ thể trong xã hội như: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để cùng nhau giải quyết những thách thức của xã hội. Công nghệ chỉ là công cụ để bổ trợ và thúc đẩy cho việc thực thi chiến lược phát triển thông minh, đây cũng là tinh thần chính của Đề án TP thông minh Bình Dương.

Các công trình hiện đại được xây dựng tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương.

Năm 2016, Bình Dương đã xây dựng Đề án TP thông minh Bình Dương với mô hình học hỏi từ TP Einhoven, Hà Lan. Đề án như kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của Bình Dương trong giai đoạn hiện nay, giải quyết trực tiếp các thách thức của tỉnh bằng những đề án cụ thể, tạo những đòn bẩy trên nhiều khía cạnh của xã hội.

Đến nay, đề án đã định hình và trực tiếp tham gia giải quyết những thách thức hiện hữu của tỉnh bằng những đề án cụ thể được phân loại theo từng vấn đề như sau: Vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ, sức ép về quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông, phát triển triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh thực hiện phát triển mạnh mẽ hạ tầng băng thông rộng tại Bình Dương… Đề án TP thông minh Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành công bằng các đề án cụ thể với những kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực, đồng thời được quốc tế ghi nhận với 3 năm liên tiếp từ 2019, Bình Dương được diễn đàn các cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bầu chọn trong Top 21 và đặc biệt năm 2021, Bình Dương được bầu chọn trong Top 7 các thành phố có chiến lược phát triển TP thông minh tiêu biểu.

Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương: Giải pháp cô đọng từ thực tiễn

Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp được đúc kết từ thực tiễn xây dựng và phát triển các đề án trong đề án TP Thông minh Bình Dương, là sự cô đọng của chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương. Cụ thể, lớp 1-Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng, lớp 2-Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, lớp 3-Phát triển kinh tế cân bằng, lớp 4-Chuyển đổi số và Phát triển công nghiệp 4.0 và lớp 5-Phát triển nguồn nhân lực.

Các nhà xưởng hiện đại đã được đưa vào hoạt động.

Mỗi lớp đóng vài trò riêng nhưng có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi lớp là định hướng cho một tập hợp các đề án có chủ đích nhằm giải quyết những thách thức của tỉnh theo từng chủ điểm, hòa chung lại theo 5 lớp sẽ tạo ra những tác động liên ngành, trên diện rộng, trực tiếp vào mọi mặt đời sống xã hội. Mô hình 5 lớp là sự hình thức hóa lại, cô đọng trong một biểu đồ nhằm biểu đạt chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương trong giai đoạn vừa qua, nhằm định hình rõ những lớp chiến lược đã được kiểm chứng qua thực tế, khẳng định hướng đi đúng đắn của Bình Dương, qua đó là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Giải pháp 5 lớp đặc biệt có tác động lớn trong việc thu hút nguồn nhân lực, mỗi lớp sẽ đóng một vai trò cụ thể trong việc thu hút nguồn nhân lực. Lớp thứ nhất về quy hoạch đô thị và giao thông, với việc ứng dụng mô hình TOD và kiến tạo nơi chốn sẽ giúp Bình Dương xây dựng đô thị được quy hoạch khoa học, việc giao thương đi lại thuận lợi, sẽ giúp con người được sống, làm việc và vui chơi tiện nghi và thoải mái.

Lớp thứ 2 về xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo sẽ giúp Bình Dương tiếp tục phát huy và trở thành vùng đất năng động và đầy sức sống, tạo ra một môi trường tốt cho việc thu hút nguồn nhân lực, việc phát triển kinh tế cân bằng ở lớp 3 sẽ tạo ra hệ sinh thái thương mại dịch vụ phục vụ con người, phục vụ giao thương, là một khía cạnh quan trọng trong việc thu hút nguồn nhân lực, chiến lược chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 sẽ giúp thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia, đưa Bình Dương trở thành vùng đất hiện đại, hòa nhịp với dòng chảy của kỷ nguyên mới, mỗi lớp trong mô hình 5 lớp sẽ có vai trò của riêng mình trong chiến lược phát triển lấy con người làm trọng tâm, từ đó tổng hòa tạo thành một chiến lược phát triển liên ngành, toàn diện cho Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo.

Hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một trong các trọng tâm để xây dựng thành phố thông minh.

Thành công và sự lan tỏa

Sau hơn 30 năm phát triển hạ tầng công nghiệp, Bình Dương đã trở thành một vùng công nghiệp lớn tại Việt Nam với 29 khu công nghiệp, tương đương 12.734ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt hơn 83,4%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 155 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng của Bình Dương được hoàn thiện với chất lượng cao, các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị cao cấp phục vụ các chuyên gia và những khu nhà ở xã hội phục vụ những người có thu nhập thấp. Cách thức quy hoạch này tạo ra sự bình đẳng trong việc thụ hưởng hạ tầng xã hội, thụ hưởng hệ thống y tế giáo dục cho mọi tầng lớp trong xã hội. Tổng hòa lại đã giúp mô hình phát triển của Bình Dương trở thành một mô hình kiểu mẫu tại Việt Nam và đã được lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước thông qua các doanh nghiệp đầu tầu của tỉnh như Becamex và VSIP.

Những khu công nghiệp do Bình Dương đầu tư luôn đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực xung quanh. Khác với mô hình kinh doanh bất động sản nhà ở, chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Những khu công nghiệp do các doanh nghiệp Bình Dương là chủ đầu tư luôn xuất hiện ở những huyện, thị xã khó khăn nhất ở các địa phương: Nghệ An, Bình Định... Sự xuất hiện của các doanh nghiệp Bình Dương góp phần tham gia tái cấu trúc lại các khu dân cư nông thôn theo hướng quy hoạch hiện đại, việc xây dựng các khu đô thị cao cấp cho các chuyên gia, khu nhà ở xã hội, hệ thống đường giao thông, cũng như thu hút các nhà đầu tư về đã tạo ra sự thay đổi toàn diện và mang lại cuộc sống thịnh vượng hơn cho người dân cho ở những vùng đất khó khăn nơi mà những khu công nghiệp của Bình Dương hiện diện. Sự lan tỏa đó đã và đang tiếp tục diễn ra, có nhiều địa phương vẫn liên hệ và mong muốn được những doanh nghiệp đầu tàu của Bình Dương đầu tư, qua đó học hỏi và nhân bản mô hình thành công của Bình Dương tại Việt Nam.

Từng công trình của Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được hình thành.

Để tiếp tục hiện thực hóa chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương được cô đọng trong mô hình 5 lớp, cũng như duy trì được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trong Top 7 ICF, tiến tới vào Top 1 ICF, đòi hỏi sự kiên định và tiếp tục đồng hành rất lớn giữa các thành tố trong xã hội, đặc biết là ba nhà: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Nhà nước cần tiếp tục thể hiện vai trò kiến tạo, thúc đẩy các dự án đầu tư công, sự vào cuộc của Nhà nước là lực đẩy lớn cho nhà doanh nghiệp-nhân tố chính trên mặt trận phát triển kinh tế và nhà  trườn-nhân tố chính trên mặt trận phát triển con người và khoa học kỹ thuật.

Việc Bình Dương lần đầu tiên được Cộng đồng thông minh thế giới ICF vinh danh trong Top 7 sau 3 lần liên tiếp được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ghi nhận trong Top 21 là một niềm vinh dự, tự hào, là thành quả xứng đáng cho những cố gắng, và sự thông minh trong việc lựa chọn chiến lược phát triển của Bình Dương những năm qua. Để giữ vững và phát huy những thành quả đó, đưa Bình Dương thành vùng đất thịnh vượng, có thu nhập cao, khoa học kỹ thuật phát triển, là điểm đến cho các hoạt động giao thương, thương mại và dịch vụ toàn cầu, là mảnh đất cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát minh… còn cả một chặng đường phía trước. Lịch sử phát triển của một quốc gia, vùng đất là một cuộc “chạy đua tiếp sức”, thế hệ đi trước tạo tiền đề cho thế hệ đi sau, chiến lược phát triển thông minh như chiếc gậy trong cuộc đua tiếp sức đó, khi đã tìm ra được lối đi và định hình được chiến lược, cùng là lúc cần tăng tốc để cuối cùng sớm đạt được mục tiêu thịnh vượng, bền vững.

Bài, ảnh: HẠ LONG