Vì vậy, muốn trụ vững và phát triển trong một sân chơi đầy cam go, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động đưa ra những hướng đi mới đem lại nhiều triển vọng hơn.

Muôn vàn khó khăn

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm 2016, tình hình dệt may thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn do các quốc gia nhập khẩu hàng dệt may là Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) có mức tăng trưởng rất thấp hoặc suy giảm. Trong bối cảnh đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam chỉ tăng 5,7% so với năm 2015, ước đạt 28,3 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong nước chỉ tăng một con số nhưng xét về tổng thể kinh tế toàn cầu cũng như những biến động kinh tế tại các thị trường chính, con số này vẫn là nỗ lực đáng ghi nhận. Trong số các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới là: Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Pa-ki-xtan, Thổ Nhĩ Kỳ, Băng-la Đét... thì Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng dệt may tốt nhất. Điều này khiến các nước xưa nay coi Việt Nam là "đối thủ" lại càng ra sức cạnh tranh, lôi kéo những đơn hàng về phía họ. Do có nhiều ưu đãi đối với mặt hàng dệt may như: Phá giá đồng nội tệ, thuế xuất khẩu sang Mỹ, EU thấp, hay thuế đóng bảo hiểm xã hội thấp, chi phí vận hành rẻ… dẫn đến tình trạng nhiều đơn hàng đã dịch chuyển tới các thị trường trên. Trong đó, Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Ấn Độ... đã nổi lên như là những đối thủ có thế mạnh trong phân khúc sản xuất theo các đơn hàng giá trị trung bình thấp, số lượng lớn mà nhiều doanh nghiệp may Việt Nam vẫn nhận được.

leftcenterrightdel
 Nhân viên Tổng công ty 28 đang giới thiệu sản phẩm quần âu nam cho khách hàng. Ảnh Hoàng Gia Minh.

Xoay quanh vấn đề trên, bà Kiều Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH V-Link (Khu công nghiệp Lương Sơn-Hòa Bình) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp may Việt Nam vẫn chủ yếu duy trì hoạt động theo mô hình may gia công (tức là doanh nghiệp xuất khẩu qua khâu trung gian và khách hàng chỉ định toàn bộ nhà cung ứng nguyên phụ liệu-NPL). Khoảng hai năm trở lại đây, những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh. Bà Hà chia sẻ, trước đây, Công ty TNHH V-Link nhận đơn hàng có số lượng lên đến vài nghìn sản phẩm từ các nước: Nga, Mỹ, Đức... nhưng hiện đang có xu hướng giảm vì những đơn hàng đang quay sang các nước khác. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp may đành phải chấp nhận gia công giá thấp với mong muốn tăng giá trị xuất khẩu và dần dịch chuyển sang thực hiện những đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) thay vì gia công. Tuy nhiên, phương án này cũng không khả quan do nguồn NPL chủ yếu nhập từ Trung Quốc, dẫn đến tiến độ giao hàng không bảo đảm, đem lại rủi ro cao cho doanh nghiệp trong nước. Dẫu đã xuất hiện nhiều nhà cung ứng NPL nhưng nhìn chung, mẫu mã NPL chưa phong phú và giá thành lại cao hơn so với các nguồn NPL của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố chính trị do Anh rời khỏi EU và Hiệp định TPP không được thông qua đã phần nào tác động đến tiến độ phát triển của ngành dệt may. Tuy nhiên, vẫn còn đó những "điểm sáng" là một số công ty tiếp tục đứng vững, chiếm lĩnh các thị trường trong và ngoài nước. Phải kể đến Xí nghiệp sản xuất kinh doanh Veston Hải Phòng (Công ty TNHH MTV Dệt 8-3) chuyên sản xuất hàng xuất khẩu veston cao cấp sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ..., với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5 triệu USD trong năm 2016. Ông Vũ Tấn, Phó giám đốc Xí nghiệp sản xuất kinh doanh Veston Hải Phòng, lý giải, khi tỷ giá thay đổi, khách hàng đặt mua nguyên phụ liệu bằng USD, nhưng khi sản phẩm bán bằng đồng bảng Anh hoặc đồng ơ-rô đã dẫn đến lợi nhuận ít đi. Do vậy, các đơn hàng đặt bị chậm lại, sản lượng giảm xuống, tình trạng "ép" giảm giá đối với doanh nghiệp gia tăng. Chưa kể tới việc để muốn được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là từ Hồng Công, Trung Quốc... đã chuyển dây chuyền sản xuất từ sợi, dệt, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm sang Việt Nam. Số liệu từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho thấy, tổng số vốn doanh nghiệp FDI đăng ký vào dệt may nước ta ngày càng nhiều hơn (hơn 500 triệu USD) khiến cho các doanh nghiệp dệt may trong nước lâm vào tình cảnh bất lợi do doanh nghiệp FDI có sẵn lợi thế về vốn, dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại và đội ngũ lao động tốt.

Tăng cường xây dựng chuỗi cung ứng

Theo dự kiến của Vinatex, năm 2017, tình hình dệt may nước nhà vẫn còn gặp rất nhiều thách thức. Để khắc phục khó khăn và chuẩn bị tốt cho các FTAs, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, cho rằng: Các doanh nghiệp dệt may cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tính chủ động trong công tác thị trường, đặc biệt tại các thị trường trọng tâm như: Mỹ, EU, Nhật Bản... và nâng cấp thành thị trường cấp 1 (tức là làm việc trực tiếp với khách hàng, giảm bớt khâu trung gian), nhằm nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa, các doanh nghiệp cần tiếp tục chuyển dịch sản xuất từ gia công sang tăng cường tỷ trọng các đơn hàng FOB và ODM (tự thiết kế, sản xuất, bán thành phẩm), chuyển sang phương thức quản lý tiên tiến Lean (sản xuất tinh gọn) nhằm gia tăng năng suất lao động.

Tổng công ty 28 (Tổng cục Hậu cần-Bộ Quốc phòng) là một trong những doanh nghiệp chủ động thực hiện thành công các đơn hàng FOB. Thời gian qua, 95% đơn hàng của tổng công ty được thực hiện theo phương thức này. Trung tá Bùi Văn Bắc, Giám đốc chi nhánh Tổng công ty 28 tại Hà Nội, chia sẻ, muốn thực hiện FOB thành công, các doanh nghiệp phải tăng cường liên kết chuỗi nhằm bảo đảm nguồn NPL, đáp ứng được những yêu cầu khác nhau của khách hàng. Để giải quyết vấn đề đó, Tổng công ty 28 đã đầu tư đồng bộ hệ thống khép kín từ kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải, may thành phẩm.

Tăng cường xây dựng chuỗi cung ứng từ vải, sợi, may mặc, tạo mối liên kết tốt giữa các khâu sản xuất cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam đáp ứng điều kiện về xuất xứ mà các FTAs quy chuẩn, từ đó có thể hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Theo ông Vũ Tấn, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay vẫn phải chờ vào các nhà sản xuất NPL. Tuy nhiên, các công ty cung ứng NPL trong nước hoạt động vẫn khá rời rạc, mạnh ai người nấy làm. Do vậy, để có liên kết chuỗi thì phải có ràng buộc xuất phát từ lợi ích kinh tế. Doanh nghiệp may mặc và doanh nghiệp sản xuất NPL phải có sự tin tưởng trong hợp tác, thỏa thuận giá cả hợp lý.

Một yếu tố khác để thu hút sự tin tưởng của khách hàng nước ngoài chính là bảo đảm môi trường làm việc sạch cho người lao động. Các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ không chấp nhận sản phẩm dệt may Việt Nam nếu môi trường làm việc không đủ tiêu chuẩn. Người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, bởi sự thành công của doanh nghiệp đến từ người lao động. Do vậy, công tác đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, có ý thức kỷ luật tốt là điều không thể thiếu trong bất kỳ bối cảnh nào.

Ngành dệt may vốn là một ngành đặc thù đông công nhân, trong khi thực hiện chính sách tăng mức lương tối thiểu vùng và mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp dệt may. Bà Nguyễn Anh Đào, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng (Xí nghiệp sản xuất kinh doanh Veston Hải Phòng) phân tích, tốc độ tăng lương tối thiểu đang nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động và tăng nhanh hơn so với tốc độ trượt giá nên nhiều doanh nghiệp dệt may đang đề xuất với Nhà nước nên xem xét lại chính sách tăng mức lương tối thiểu vùng và mức đóng bảo hiểm xã hội. Trong bối cảnh làn sóng đầu tư FDI liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước cũng mong muốn Nhà nước tiếp tục có những cơ chế, chính sách bảo hộ cho khối doanh nghiệp này. Ví như các dự án đầu tư vào dệt may được quản lý chặt chẽ hơn, thuế thu nhập doanh nghiệp FDI cao hơn, nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng và cạnh tranh công bằng hơn.

VŨ MY