Đáng chú, trong dự thảo luật đã bổ sung các quy định để tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ theo cam kết, doanh nghiệp có vốn ảo, kê khai khống vốn điều lệ.

 Quang cảnh phiên họp sáng 9-5 của Quốc hội.

Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 215 để quy định rõ phạm vi, trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh. Theo đó, dự thảo luật quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương, có trách nhiệm tổ chức đăng ký doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong phạm vi địa phương; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Trường hợp doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo luật chuyên ngành thì cơ quan cấp đăng ký có trách nhiệm tích hợp, chia sẻ, cập nhật thông tin về đăng ký doanh nghiệp với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. 

Theo cơ quan soạn thảo, thời gian qua có tình trạng "vốn ảo", "đăng ký khống vốn điều lệ", "thành lập doanh nghiệp ma" hoặc tình trạng "núp bóng" tham gia góp vốn, mua cổ phần chi phối doanh nghiệp nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tiền, tài sản thông qua các hoạt động của doanh nghiệp như mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ như trong thời gian vừa qua.

Cùng với đó, đối với trường hợp các doanh nghiệp thành lập, giải thể và tổ chức hoạt động theo pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù, không thực hiện đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh thì các thông tin về doanh nghiệp này không được lưu giữ tại Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thực tế này dẫn đến người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước bị hạn chế trong tiếp cận thông tin về doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong nền kinh tế, làm giảm tính minh bạch về môi trường kinh doanh do không thể tra cứu thông tin của các doanh nghiệp này trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, trong bối cảnh thực hiện định hướng khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân của Đảng và Nhà nước đòi hỏi sự quyết liệt trong cải cách thể chế trên nền tảng đổi mới tư duy, cải cách mạnh mẽ nền hành chính hướng đến phục vụ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất không bổ sung quy định về tăng thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp dẫn đến tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp mà cần quy định các nội dung tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nhằm thực hiện công tác hậu kiểm hiệu quả. Vì việc quy định các giấy tờ chứng minh năng lực tài chính khi thực hiện các thủ tục về thành lập, góp vốn thành lập doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp là chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn. Nội dung dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ chín.

VŨ DUNG - TRỌNG HẢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.