Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên đã không ngừng phát triển, các vùng nông thôn, đô thị đã mang một diện mạo mới, khang trang hơn. Hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, đời sống văn hóa-xã hội của người dân ngày càng được nâng lên.

Cụ thể, năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,51% so với năm 2023. Năm 2025, tỉnh đã đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt hơn 10,5%. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư. Nhờ đó, Điện Biên ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến quý I-2025, toàn tỉnh có 34 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 104 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh hiện có 1.349 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 32.398 tỷ đồng và 784 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ. 

Vượt qua những khó khăn, thử thách, sau 71 năm, đến nay Điện Biên không ngừng được đầu tư phát triển, đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại. Nhiều dự án trọng điểm như: Cảng hàng không Điện Biên được đưa vào khai thác, mở ra sự kết nối quan trọng giữa Điện Biên với các tỉnh, thành lớn trong cả nước; dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang giai đoạn 1 được khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng...

Năm 2025 là năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm diễn ra đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, là năm thực hiện “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Điện Biên đã đề ra các mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, tỉnh tiếp tục giữ vững và đảm bảo kinh tế phát triển ổn định, tập trung phát triển du lịch, thương mại theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nâng cao năng lực khả năng cạnh tranh, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước và tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên mọi mặt, thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Ưu tiên nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ các công trình, nhóm công trình trọng điểm và các công trình chuyển tiếp.

Điện Biên không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.

Đồng thời, tạo điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư, nhất là về lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai... cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn; đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện có trên địa bàn đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đầu tư phát triển sản xuất.

Nâng cao đời sống văn hóa-xã hội của người dân

Bên cạnh những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, Điện Biên cũng chú trọng chăm lo đời sống văn hóa-xã hội cho người dân. Đến nay, 100% số xã được phủ sóng điện thoại di động, được sử dụng internet và có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% xã có trạm y tế; 100% các xã của tỉnh Điện Biên có đường ô tô đến trung tâm; số hộ được sử dụng điện đạt hơn 90%... Công tác giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời và đạt kết quả tích cực; thực hiện tốt chính sách đối với người có công; công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề được triển khai tích cực. 

Diện mạo mới đã đến với nhiều bản làng của Điện Biên, đó là những mái trường, lớp học ngày càng khang trang hơn. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng cao, ngành học; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư; tỷ lệ học sinh tới trường, lên lớp, chuyển cấp, tốt nghiệp hằng năm đạt và vượt kế hoạch. Cùng với đó, văn hóa, thể thao cũng có bước phát triển, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được bảo tồn và phát triển...

Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tập trung chỉ đạo, thực hiện. Đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo nâng cao trình độ, nhất là bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học. Nhờ đó, chất lượng các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao.  

Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên luôn chú trọng, quan tâm, không ngừng tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ vững chắc; gắn phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh…

Khai thác hiệu quả các thế mạnh và tiềm năng

Ngành du lịch được cho là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Điện Biên, không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử như: Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; Hầm Đờ-cát; Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ..., mà Điện Biên còn có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch; đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực và các danh thắng như: Hồ Pá Khoang, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng: U Va và Hua Pe; cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải - ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc... 

Bên cạnh đó, Điện Biên còn là địa phương có đường biên giới dài tiếp giáp 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc với 2 cửa khẩu quốc tế và nhiều lối mở dọc tuyến biên giới, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế và phát triển du lịch. 

Di tích đồi A1 thu hút rất đông lượng du khách đến tham quan. 

Trên cơ sở phát huy những lợi thế về tài nguyên và tiềm năng du lịch, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã đạt được những thành quả đáng kể, tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước.

Theo thống kê, năm 2024, du lịch tỉnh Điện Biên đón 1,85 triệu lượt khách du lịch, tăng 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 11.500 lượt, tăng 1,53 lần so với cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 1,88 lần so với cùng kỳ năm 2023. Cũng từ hoạt động du lịch đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Qua đó cho thấy tiềm năng phát triển của Điện Biên là rất lớn và có sức hút đối với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Đây cũng là mục tiêu mà Điện Biên đang hướng tới. Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: “Mục tiêu của Điện Biên trong thời gian tới là khai thác tối đa và có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã đặt ra; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội để đưa Điện Biên trở thành một tỉnh có kinh tế phát triển khá, là trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng trung du, miền núi phía Bắc”.

Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trên mọi lĩnh vực, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đang nỗ lực khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để đưa Điện Biên ngày càng phát triển và gặt hái thêm nhiều thành tựu mới trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Bài ảnh: TUẤN ĐIỆP - HÀ KHÁNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.